Tại hội thảo, nhiều trí thức, doanh nhân người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đề xuất các giải pháp thúc đẩy chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố cả trong và ngoài công lập.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cho biết lãnh đạo thành phố luôn có những định hướng về các hành lang pháp lý, cơ chế đãi ngộ, môi trường để người giỏi phát triển; cơ chế đặc thù cho người làm việc tại các khu vực công lập, cải thiện chế độ tiền lương để thu hút tài năng trẻ cho thành phố.
"Chúng tôi mong muốn các cơ quan ngoại giao, hội đoàn, chuyên gia trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, chia sẻ những định hướng, giải pháp; đóng góp ý kiến, đề xuất thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ cho thành phố. Trong đó, quan trọng là cơ chế hỗ trợ học tập, thực tập, làm việc tại Việt Nam cho nghiên cứu sinh, du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nước" - ông Hiển nói.
Hội thảo nhận được 5 báo cáo tham luận đến từ các hiệp hội người Việt Nam, sinh viên ở nước ngoài như Úc, Mỹ, Singapore, Pháp, Hàn Quốc. Trong đó, bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc quản trị rủi ro tài chính Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp), đưa ra một số kiến nghị cụ thể.
Bà Nga cho biết khi nói đến các chính sách thu hút du học sinh, trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương, mọi người thường nghĩ phải có tiền nhiều. Nhưng thực tế, điều nhiều người mong muốn nhất khi quay về Việt Nam làm việc là có những dự án hay, có kế hoạch rõ ràng để họ có thể vận dụng kiến thức, năng lực của mình, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
"Chúng ta nói rất nhiều về việc đưa sinh viên ra nước ngoài để kết nối các hội doanh nhân, chuyên gia đầu ngành để có cơ hội học tập, nghiên cứu nhưng chưa thật sự có công cụ để các bạn kết nối với một chuyên gia về lĩnh vực nào đó. Như vậy, chúng ta cần xây dựng công cụ, trong đó các chuyên gia, sinh viên và lãnh đạo có thể kết nối với nhau. Với công cụ này, những chuyên gia muốn quay về Việt Nam cũng dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp hoặc ít nhất là biết được TP HCM hay Việt Nam đang thiếu chuyên gia ở lĩnh vực nào để có thể kết nối" - bà Nga phân tích.
Theo bà Nga, khi kêu gọi chuyên gia về làm việc cho Việt Nam, không nhất thiết yêu cầu họ phải ở đây 100% thời gian. "Bây giờ là thời đại số, họ có thể đóng góp, cống hiến cho Việt Nam ở bất cứ đâu. Hãy mở rộng cách làm việc và tuyển dụng, có thể đưa một phần dự án mà ở đâu cũng có thể làm việc được giao cho họ" - bà Nga gợi ý.
Cuối cùng, bà Nga cho rằng cần tạo môi trường sống cho những người Việt ở nước ngoài trở về. Cụ thể là có chỗ ở cho gia đình họ, lương, thưởng hợp lý để sinh sống.
Bình luận (0)