Tuy nhiên, thực tế, việc kiểm tra đánh giá năng lực học sinh hiện nay chưa thể hiện năng lực toàn diện của học sinh bởi quá chú trọng đánh giá việc học chữ. Theo ThS Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ÐH Sư phạm TPHCM, việc đo lường năng lực học sinh hiện chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu chí rất quan trọng như sức khỏe, kỹ năng sống, lý tưởng sống của học sinh lại gần như bị bỏ qua. Mọi hoạt động của nhà trường đặt trọng tâm vào các kỳ thi mà xem nhẹ rèn luyện đạo đức, nâng cao sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống. Việc chú trọng đánh giá kiến thức dẫn đến nhiều hệ lụy như: dạy thêm - học thêm tràn lan; học sinh chỉ chú trọng học một số môn để thi, coi thường các môn xã hội; chưa chú trọng đến kỹ năng, thái độ, chưa hướng đến mục tiêu làm người.
Với cách thức kiểm tra này, học sinh thường bị áp đặt, không được lựa chọn và chủ động trong bài kiểm tra do trả lời phải đúng đáp án mới đạt điểm, khác đáp án có khi là sáng tạo vẫn không đạt điểm. Những hình thức kiểm tra mang tính độc lập, sáng tạo cao của học sinh như: tìm hiểu thực tế rồi làm báo cáo, thuyết trình tác phẩm văn học theo nhóm... hiện nay rất ít thực hiện vì quy chế của bộ chưa cho phép và giáo viên chưa thực sự am hiểu.
Do đó, việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá hiện nay là một việc làm có tính cấp bách. Bộ cần phải nghiên cứu, triển khai thí điểm, sau đó áp dụng cho cả nước, tránh tình trạng ban hành quy chế rồi thay đổi, điều chỉnh. Ngành giáo dục cũng cần xây dựng tiêu chuẩn về đạo đức một cách cụ thể, chú trọng đến phát triển năng lực cá nhân và tôn trọng nhân cách của học sinh. Kiểm tra đánh giá nhằm hướng đến năng lực thực tiễn của học sinh, đề thi không chú trọng đến kiến thức lý thuyết, hàn lâm mà chú trọng đến việc vận dụng các kiến thức đã học vào đời sống một cách hữu ích.
Bình luận (0)