Sáng 17-1, hội thảo Tiếp sức hướng nghiệp do Báo Người Lao Động phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương tổ chức diễn ra sôi nổi nhưng cũng chứa đựng nhiều trăn trở, suy tư. Thậm chí, có nhà giáo phải thốt lên: “Rất đau lòng khi có tâm nhưng không thể làm tốt công tác hướng nghiệp”.
Hiệu trưởng kiêm... hướng nghiệp
“24 năm làm quản lý, tôi chứng kiến việc tư vấn hướng nghiệp chủ yếu vẫn là do giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Ở trường, tuy là hiệu trưởng nhưng tôi được ưu tiên làm hướng nghiệp luôn vì có điều kiện đi nhiều hơn các giáo viên khác. Chính điều này nảy sinh thực tế: Chúng tôi vừa làm quản lý vừa làm hướng nghiệp nên cái gì cũng biết, cái gì cũng làm nhưng không chuyên sâu. Giáo viên chúng tôi có tâm, có tinh thần đam mê và trách nhiệm nhưng kiến thức hướng nghiệp không có, phải làm sao?” - thầy Hồ Tấn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Tây Ninh), trăn trở.
Thầy Đức cho biết học sinh thường hỏi ông những câu như: Nghề nào làm việc nhẹ mà lương cao? Chọn ngành nào để sau này ra trường không thất nghiệp? Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp các cử nhân thất nghiệp, học lên thạc sĩ nhưng vẫn không xin được việc, cuối cùng về quê mở quán cà phê. Tại những khu công nghiệp lân cận, các ứng viên nộp bằng ĐH đều bị doanh nghiệp từ chối do chỉ nhận bằng trung cấp trở xuống. “Đa phần các thầy cô hướng nghiệp cho biết họ nhận nhiệm vụ theo sự phân công của ban giám hiệu rồi về tự học chứ không có tài liệu, hướng dẫn nào” - thầy Đức nêu.
Chia sẻ khó khăn khi làm công tác hướng nghiệp, thầy Trần Văn Hai, Hiệu trưởng Trường THPT Dĩ An (Bình Dương), cho biết những năm 80 của thế kỷ trước, việc hướng nghiệp rất đơn giản, chỉ cần trả lời những câu hỏi như: Mục đích của nghề là gì, nghề đó học gì? Thế nhưng hiện nay, tình hình xã hội thay đổi, công tác hướng nghiệp không còn đơn giản như vậy. Theo thầy Hai, điều khó khăn nhất đối với các thầy cô chủ nhiệm làm công tác hướng nghiệp là thiếu kiến thức trong mảng này. “Hướng nghiệp 1 tháng/3 tiết mà nếu nói không hay thì học sinh khó tiếp thu. Nên chăng chúng ta có một website nói về những kiến thức hướng nghiệp mà thầy cô có thể xem, tải về để truyền bá cho học sinh” - thầy Hải đề xuất.
Thầy Hồ Tấn Đức cũng đề xuất nếu có điều kiện, cấp trên hoặc các trường ĐH, CĐ hãy giúp các trường THPT đào tạo giáo viên về kiến thức hướng nghiệp.
Ở góc độ trường ĐH, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP HCM, nhìn nhận đối với công tác hướng nghiệp, nếu chỉ làm các hoạt động gần kỳ thi thì chỉ gọi là góp phần, trong khi tư vấn hướng nghiệp là cả một quá trình. “Tốt nhất là thực hiện từ lớp 6, còn khoa học hơn nữa là từ lớp 1” - ông Chính nói.
“Khát” lao động kỹ thuật, có tay nghề
Theo ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, do Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghiệp phát triển nên nguồn nhân lực cũng đòi hỏi dồi dào. Do đó, tỉnh chú trọng việc thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chọn ngành, nghề phù hợp nhu cầu, góp phần giải quyết nguồn lao động cho các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, cho biết mỗi năm, tỉnh thiếu khoảng 40.000-60.000 lao động, trong đó nhu cầu về lao động kỹ thuật chiếm 20%. Dự tính trong 5 năm tới, tỉnh cần khoảng 50% lao động kỹ thuật trong tổng số thiếu hụt. Đa phần những người tới tìm việc đã tốt nghiệp ĐH, CĐ. “Từ nay đến năm 2020, Bình Dương cần nguồn lao động trình độ cao và lao động có tay nghề” - ông Phương thông tin.
Cũng tại buổi hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao việc chương trình mời đại diện các doanh nghiệp đến thảo luận với các trường về vấn đề nhu cầu nhân lực. Một doanh nghiệp chia sẻ để tìm được người đảm nhận tốt nhất vị trí thủ kho, họ phải mất 14 năm.
Ông Phan Trọng Nghĩa, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sông Bé, dẫn dữ liệu cho thấy 60% sinh viên tốt nghiệp khi đi làm phải được đào tạo tiếp tục, bổ sung. Do đó, ông đề nghị trong quá trình đào tạo, các trường cần kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chẳng hạn áp dụng chương trình thực tập sinh, giúp sinh viên nhận biết vị trí mình sắp ứng tuyển yêu cầu những gì, có phù hợp với mình không. Ngoài ra, đa số ý kiến doanh nghiệp cho rằng kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề của ứng viên theo các chuyên ngành được đào tạo của nhân lực chưa đáp ứng, trình độ chuyên ngành chưa được đặt nặng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…
Ông Nguyễn Thanh Phương cũng cho biết theo phản hồi của nhiều doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp, trình độ chuyên môn chưa áp dụng được trên thực tế, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo tiếp tục hoặc trả mức lương thấp hơn lương người lao động yêu cầu.
Kênh giúp tiếp cận thông tin chọn lọc
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, người làm công tác hướng nghiệp cần 3 yếu tố để thành công, gồm: Thái độ, kiến thức và kỹ năng. TS Chính cho biết hiện nay, nhiều thầy cô phàn nàn việc tư vấn hướng nghiệp bị biến tướng thành quảng cáo tuyển sinh. Vì thế, vai trò của thầy cô làm công tác tư vấn cực kỳ quan trọng, giúp hạn chế bớt những thông tin “nhiễu” đến với thí sinh. Ngoài ra, những chương trình ý nghĩa như Tiếp sức hướng nghiệp trong chuỗi Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người Lao Động tổ chức chính là kênh giúp thầy cô, thí sinh tiếp cận thông tin đã chọn lọc.
Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, mong muốn chương trình Đưa trường học đến thí sinh sẽ tiếp tục là cầu nối giữa trường ĐH, CĐ, thầy cô, học sinh và phụ huynh; giúp các em có được lựa chọn ngành, nghề đúng đắn trong kỳ thi quốc gia 2016.
Bình luận (0)