Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, Sở Y tế, nCoV tồn tại yếu ở môi trường trên 20 độ, tỷ lệ mắc bệnh từ virus ở trẻ em không cao như người lớn. Tuy nhiên không thể nói môi trường học đường là an toàn mà vẫn phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, vì trường học là môi trường tiếp xúc gần. Phụ huynh, giáo viên không nên chủ quan cũng không hoang mang, lo lắng vì nCoV tồn tại yếu hơn virus tây chân miệng.
ThS.BS Lê Hồng Nga hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh do nCoV trong trường học
Việc gấp rút là chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại trường học, các trường cần tuân thủ đúng và nghiêm chỉnh những khuyến cáo vệ sinh của ngành y tế. Những việc các trường cần làm trước khi học sinh đến trường gồm rà soát lại tất cả các bồn rửa tay, đảm bảo đủ xà phòng, bồn rửa và nước sạch cho học sinh rửa tay; củng cố lại các hoạt động kiểm soát bệnh trong trường học, đảm bảo phát hiện sớm trẻ bệnh để kịp thời ứng phó, cách ly; chuẩn bị tất cả nội dung truyền thông về dịch nCoV cho phụ huynh, học sinh.
Đặc biệt, các trường cần bố trí một khu riêng tại phòng y tế của trường để kịp thời cách ly khi phát hiện trẻ bệnh trong giờ học. Học sinh rửa tay cần có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và bảo mẫu, việc rửa tay chỉ mới làm tốt ở mầm non, các bậc học khác cần làm tốt hơn. Không chỉ để phòng, chống dịch do nCoV mà còn nhiều dịch bệnh khác, quý I là mùa của các bệnh thủy đậu, cúm, quai bị…
Đối với học sinh cần rửa tay vào những thời điểm, trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh, sau khi ra chơi vào lớp, sau khi ho và hắt hơi, tiếp xúc với động vật và thức ăn của chúng… rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
Đại diện cơ quan y tế lưu ý, vấn đề truyền thông rất quan trọng, và phải tuỳ vào mức độ lứa tuổi học sinh để truyền thông hiệu quả. Làm sao để học sinh ý thức được, chủ động thực hiện nghiêm theo hướng dẫn góp phần ngăn ngừa. Những cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh có dấu hiệu ho, sốt yêu cầu tuyệt đối không đến trường.
Bình luận (0)