Thí sinh nhận phiếu xét tuyển nguyện vọng 2, 3 tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM
Hệ nào cũng thiếu
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhận được chưa đến 200 HS dù chỉ tiêu nguyện vọng 2 là 540. Một số ngành thiếu nhiều so với chỉ tiêu như triết học có 4 HS/40 chỉ tiêu; thư viện thông tin: 5 HS/60 chỉ tiêu; lưu trữ học: 8 HS/40 chỉ tiêu; ngữ văn Tây Ban Nha: 7 HS/30 chỉ tiêu; nhân học: 9 HS/40 chỉ tiêu.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã nhận gần 600 HS hệ ĐH trên 670 chỉ tiêu nhưng trong lúc một số ngành tạm ổn thì các ngành điện và tự động tàu thủy, thiết kế thân tàu thủy, xây dựng công trình thủy, kỹ thuật công trình ngoài khơi… chỉ nhận được khoảng 15-20 HS/ngành dù mỗi ngành được giao từ 50-60 chỉ tiêu. Đặc biệt, ngành khai thác máy tàu thủy chỉ tiêu 100 nhưng chỉ có 40 HS đăng ký.
Tại các trường: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng… trong khi hệ CĐ nhận được số HS xét tuyển áp đảo thì nhiều ngành hệ ĐH chỉ nhận được từ 10-20 HS đăng ký xét tuyển.
Ở các trường địa phương, nhiều ngành cũng rơi vào cảnh “sống dở chết dở”. Trường ĐH An Giang đã nhận được gần 1.300 HS nguyện vọng 2 nhưng chủ yếu rơi vào hệ CĐ trong khi hệ ĐH nhiều ngành rất thảm. Khác với mọi năm, khối ngành kinh tế thường “hút” thí sinh thì năm nay, ngành kế toán – kiểm toán mới nhận được 1 HS, kinh tế quốc tế 5 HS, luật kinh doanh 3 HS. Tương tự, Trường ĐH Tiền Giang có 564 chỉ tiêu nguyện vọng 2 nhưng chỉ nhận được 153 HS. Trong đó, ngành công nghệ thông tin chỉ 11 HS; quản trị kinh doanh, quản trị kỹ thuật xây dựng nhận được trên 30 HS dù được giao 100 chỉ tiêu/ngành. Các ĐH vùng như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng cũng không mấy khả quan khi nhiều ngành chỉ nhận được từ 10% - 25% hồ sơ so với chỉ tiêu.
Vướng điểm sàn?
Theo đại diện các trường, chưa năm nào việc tuyển sinh lại khó khăn như năm nay.
Ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết trường sẽ phải chấp nhận đào tạo thiếu nhiều so với chỉ tiêu. Theo thống kê, cả nước có khoảng 11.000 thí sinh khối C trên điểm sàn nhưng thực tế HS xét tuyển khối C rất ít. Khác với những năm trước, năm nay thí sinh phía Bắc nộp HS rất thưa thớt. “Chúng tôi dự kiến mỗi ngành phải mở được ít nhất 2 lớp nhưng với tình hình này, nhiều ngành chỉ mở được một lớp, thậm chí ngành ngữ văn Đức chỉ mới có khoảng 35 sinh viên” - ông Hạ cho biết.
Theo ông Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng Phòng Đào tạo của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, trường này cũng sẽ đào tạo thiếu với lớp ít nhất khoảng 30 sinh viên chứ không để phải đóng cửa ngành học. Ông Vũ cho rằng việc tuyển sinh khó khăn do kết quả thi ĐH năm nay không cao trong khi điểm sàn vẫn giữ như năm trước khiến cho số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH giảm hơn nhiều so với mọi năm. Cũng chính vì một số lượng lớn thí sinh không đạt điểm sàn ĐH đã chuyển qua xét tuyển vào hệ CĐ nên năm nay, HS xét tuyển CĐ tăng vọt so với mọi năm. Mặt khác, nguồn tuyển khan hiếm còn do nhiều trường ĐH dân lập mới thành lập đã san bớt phần nào nguồn tuyển vốn đã khan hiếm.
Khó trông chờ nguyện vọng 3
Trước tình trạng HS xét tuyển nguyện vọng 2 khan hiếm, đại diện nhiều trường nhận định nguồn xét tuyển nguyện vọng 3 đã cạn kiệt. Ông Phạm Tấn Hạ cho rằng nguồn xét tuyển nguyện vọng 3 chủ yếu là những thí sinh rớt nguyện vọng 2 nên rất khó trông chờ vào nguồn tuyển này. Do vậy, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dù đào tạo thiếu cũng không xét nguyện vọng 3. Còn theo ông Cổ Tấn Anh Vũ, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM không tuyển nguyện vọng 3 bởi nguồn xét tuyển chắc chắn không còn nhiều mà lại khiến kế hoạch đào tạo bị động vì phải kéo dài thời hạn xét tuyển. Các trường ĐH địa phương như ĐH Đồng Tháp, ĐH Tây Nguyên, ĐH An Giang… cho biết sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng khó tránh khỏi việc đóng cửa một số ngành học do quá ít sinh viên. |
Bình luận (0)