Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh năm 2017", với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền cùng 2 tập đoàn Vingroup và Sun Group, Báo Người Lao Động vừa tổ chức talk show: "Làm gì khi biết điểm thi THPT quốc gia?". Trong đó, các chuyên gia lưu ý nhiều thông tin quan trọng mà thí sinh (TS) cần nắm rõ, nhất là việc làm gì khi thay đổi nguyện vọng (NV) và cần cân nhắc khi thay đổi NV.
Làm gì khi đã biết kết quả thi?
Theo phổ điểm các môn thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5-6,5 điểm. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, ở một số bài thi, môn thi, có nhiều TS đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống hiếu học.
Các chuyên gia tham gia talk show tại trường quay Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là TS sau khi đã biết điểm thi của mình cần chuẩn bị những bước đi tiếp theo thế nào để nắm chắc cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo đúng NV ban đầu.
Đặc biệt lưu ý TS các mốc thời gian quan trọng sau khi biết điểm thi, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM - nhấn mạnh sau khi có kết quả thi, TS bắt đầu nộp hồ sơ phúc khảo bài thi, nếu cần. TS cần chú ý các mốc thời gian phúc khảo như sau: Sau khi công bố kết quả thi, trong vòng 10 ngày thì TS phải làm đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi. Ngày 17-7 kết thúc giai đoạn nhận hồ sơ phúc khảo tại các sở GD-ĐT. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận thì các sở sẽ công bố kết quả phúc khảo. Trong trường hợp điểm thi trước phúc khảo thấp không trúng vào một trường cụ thể nhưng kết quả tăng lên sau phúc khảo đủ điểm đậu thì vẫn được xét trúng tuyển.
Ông Nguyễn Công Kỳ, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, cho biết các trường ĐH khi xét tuyển theo bài thi hoặc môn thi đều bảo đảm nguyên tắc tổ hợp 3 môn thi/bài thi; có ít nhất 1 trong 2 môn toán và ngữ văn, các trường cũng không được sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi. Năm nay có khoảng hơn 200 tổ hợp xét tuyển, trong đó 150 tổ hợp xét tuyển thông thường, 50 tổ hợp xét tuyển năng khiếu.
"Năm 2016, khi TS thi xong có kết quả mới bắt đầu nộp vào các trường nhưng năm nay các em đã xác định chọn trường, ngành, tổ hợp môn từ khi đăng ký dự thi (1 đến 20-4) và các em còn được điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi. Do đó, các em lại một lần nữa được suy nghĩ kỹ càng vấn đề đăng ký xét tuyển" - ông Kỳ tư vấn.
Lưu ý phương thức đổi nguyện vọng
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, phổ điểm từng môn, từng bài thi được công bố trước khi có điểm sàn. Căn cứ trên phổ điểm cả nước, TS có thể dựa vào đó dự đoán trước tính phù hợp kết quả thi của mình với đăng ký NV. Sau khi có điểm thi xong, các em có cần điều chỉnh hay không? Chính các em trả lời được các câu hỏi đó. Các NV ở các trường xét bình đẳng như nhau, từ cao xuống thấp. Có nhiều phương thức điều chỉnh NV như phương thức online, dùng phiếu điều chỉnh nhưng dù phương thức nào thì cũng chỉ được dùng một phương thức duy nhất.
Ông Nguyễn Công Kỳ thông tin năm nay có trên 8.000 TS chỉ đăng ký 1 NV. Việc này có thể là do các em hiểu lầm NV 1 với 1 NV khi mà các trường khối quân đội, công an thông báo chỉ xét tuyển NV 1 (NV đầu tiên). Do vậy, có thể sắp tới đây nhiều thí sinh điều chỉnh NV.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng TS đã có nhiều thời gian nghiên cứu chọn ngành nghề. Khoảng thời gian, cơ hội cân nhắc chọn trường rất dài. Nhưng quyền chọn lựa trường, ngành nằm ở TS có điểm cao việc định hướng chọn trường uy tín, ngành hấp dẫn. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng những TS có điểm thấp hơn phải chấp nhận điều chỉnh NV nhưng việc này cần hết sức cân nhắc. Điểm sàn năm nay có thể sẽ không khác nhiều so với năm trước vì số lượng TS thi để xét tuyển ĐH khoảng 75% (650.000 TS) và chỉ tiêu vào các trường ĐH chừng 400.000 nên chắc chắn có sự cạnh tranh.
Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết trước 17 giờ ngày 7-8 nếu TS trúng tuyển mà không nộp giấy báo điểm thì coi như TS từ chối việc trúng tuyển và các em được quyền xét vào trường khác trong đợt xét tuyển NV bổ sung.
Đừng đặt bút vì sĩ diện
Cô Nguyễn Thị Mỹ Thu, giáo viên tâm lý hướng nghiệp Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), cho rằng với TS kết quả thi không cao, các em đừng vội nản chí, đừng vội thất vọng vì đó là những cảm xúc tiêu cực, sẽ dễ dàng bỏ đi ước mơ của mình. Chỉ cần có đam mê, ý chí thì có nhiều trường sẵn sàng đón các em vào học. Khi điều chỉnh NV, các em nên tránh trường hợp ảo tưởng về mình, vì chính mình mới hiểu rõ mình có năng lực thế nào, không đặt bút vì sĩ diện. Nếu chọn được NV mà mình yêu thích thì đúng là may mắn. Còn không thì lựa chọn cùng khối, cùng trường, nhưng có thể là hệ CĐ, trung cấp... Đối với phụ huynh cần có sự thấu hiểu, chia sẻ. Hơn lúc nào hết, hơn ai hết, chính phụ huynh nên mở rộng vòng tay để đồng hành chia sẻ tiếp sức cho con vào trường, ngành khác nếu không trúng tuyển NV ban đầu.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)