Kết quả tuyển sinh các năm trước cho thấy những nhóm ngành như luật, kinh tế, y dược, công an, quân đội… có điểm chuẩn rất cao. Trong đó, nhóm ngành kinh tế được xem là “hot” nên thu hút nhiều thí sinh ĐKDT. Chính vì thế, sau mỗi kỳ thi, có những học sinh có kết quả thi khá cao nhưng vẫn không đậu vào ngành đăng ký ban đầu (nguyện vọng 1).
Điểm cao nhưng không trúng tuyển là điều thường xảy ra. Nguyên nhân chính là do thí sinh không cân nhắc kỹ trước khi chọn trường, chọn ngành. Bởi những ngành này số lượng thí sinh ĐKDT rất nhiều mà phần lớn lại là thí sinh có học lực khá giỏi. Nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành học thuộc lĩnh vực y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật… ở các trường công lập cũng tăng cao. Vì vậy, chỉ những học sinh có học lực thực sự khá giỏi mới vào được.
Khi đăng ký vào các ngành loại này, thí sinh cần cân nhắc kỹ hơn về sức học của mình. Ví dụ, đối với nhóm ngành kinh tế ở các trường ĐH tốp đầu (như: Kinh tế TPHCM, Ngân hàng, Ngoại thương), bình quân mỗi môn thi phải đạt từ 7 điểm trở lên; đối với ngành y dược ở các trường như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân y…, bình quân mỗi môn thi phải đạt 8 điểm trở lên mới có cơ may trúng tuyển.
Nếu xác định nhầm ngành thi, không lường được sức học của mình, chắc chắn thí sinh sẽ khó trúng tuyển. Mỗi học sinh phải tự thấy khả năng của mình, không phụ thuộc vào sự áp đặt của người thân hoặc chạy theo phong trào, ảo tưởng mà phải biết thực sức của mình. Có như vậy mới đạt được kết quả thi cao nhất.
Bình luận (0)