Theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT thì trong giai đoạn 2011-2015, tiếng Anh phải đưa vào giảng dạy tại một số trường THPT và một phần các môn học ở năm cuối ĐH. Việc học bằng tiếng Anh giúp học sinh tiếp cận kiến thức nâng cao từ nhiều nguồn tài liệu tham khảo, tăng khả năng tư duy và tự học của học sinh; giúp học sinh đón nhận cơ hội học tập ở nước ngoài hoặc theo học các chương trình đào tạo tiên tiến trong nước; tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc…
Hiện một số trường THPT chuyên đã thực hiện việc dạy bằng tiếng Anh đối với môn toán và một số môn khoa học nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập do trình độ tiếng Anh của học sinh thấp, không đồng đều; do thói quen học nặng về ngữ pháp, đọc hiểu và dịch sang tiếng Việt mà chưa thật chú trọng đến khả năng sử dụng. PGS-TS Tạ Thị Thảo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết học sinh thiếu khả năng tư duy bằng ngoại ngữ, chưa thiết tha và hứng thú trong việc học và sử dụng ngoại ngữ. Ngoài ra, do bộ chưa có một chương trình giảng dạy thống nhất nên giáo viên phải tự xây dựng chương trình, trong khi cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của các môn khoa học tự nhiên vẫn còn thiếu thốn đã ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học.
Một số nước trong khu vực cũng từng thất bại với dự án dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Ông Sabanar, thành viên của SEAMEO Indonesia, cho biết theo một khảo sát của nước này về tình hình học tiếng Anh trong môn toán và các môn khoa học tự nhiên, có đến 48,6% học sinh thường xuyên gặp khó khăn khi học bằng tiếng Anh, 32% giáo viên chỉ thỉnh thoảng mới cảm thấy tự tin khi dạy bằng tiếng Anh. Do chất lượng thực hiện không như ý nên cuối cùng Indonesia phải quay lại sử dụng tiếng Bahasa Indonesia để dạy toán và các môn khoa học. Tương tự, Malaysia cũng phải ngưng sử dụng tiếng Anh và buộc dùng quốc ngữ Bahasa Melayu để dạy toán và các môn khoa học sau một thời gian thực hiện không thành công.
Để đề án thành công tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết phải chú trọng đến việc tuyển chọn học sinh và giáo viên có năng lực thực sự. Theo PGS-TS Trần Vui, ĐH Huế, cần xây dựng các trường THPT tiên tiến nhằm quy tụ những học sinh giỏi khoa học tự nhiên và toán học cũng như có năng lực tiếng Anh. Bên cạnh đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên toán và khoa học tự nhiên được đào tạo ở các nước nói tiếng Anh, đặt hàng giáo viên từ các trường ĐH lớn có khả năng đào tạo bằng tiếng Anh. “Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước thay đổi cả về chương trình sách giáo khoa, cách thực học và thi cử ở bậc THPT nhưng cần nhất là quyết tâm của chính các trường THPT mới có thể đưa việc học tiếng Anh đối với các môn học này thành hiện thực và có hiệu quả”- PGS-TS Tạ Thị Thảo nhấn mạnh.
Bình luận (0)