Trước đó, nhiều báo cũng đưa đưa tin về hiện tượng bất thường là có thí sinh 10 điểm môn lý nhưng 0 điểm môn toán. Thí sinh đặc biệt này là em Nguyễn Sỹ H. ở Nghệ An. Chính H. cũng bất ngờ và thú nhận “Môn toán em nạp giấy trắng, 0 điểm là chính xác, còn môn lý và hóa, không hiểu vì sao lại được điểm cao như vậy”. Môn Ngữ văn em chỉ được 2,5 điểm, tiếng Anh 2,13 điểm. Giờ thi môn lý, hóa em làm được một số câu thì ngủ gục trên bàn. Gần hết giờ, giám thị nhắc, em khoanh bừa đáp án, kết quả là em được 10 điểm môn lý. Môn hóa cũng với cách làm bài trên em được 8 điểm”.
Đây chính là tử huyệt của thi trắc nghiệm. Cách thi này được người Mỹ nghĩ ra từ cuối thế kỷ 19. Với các ưu điểm là “Chống học tủ, học vẹt –Làm bài nhanh – Khối lượng kiến thức lớn – Chấm điểm dễ và công bằng…”. Nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu điểm so với cách thi truyền thống là luận đề. Đó là “Không thể sáng tạo và thể hiện tư duy khi làm bài – Soạn đề rất cực – Dễ quay cóp – Không biết cũng đoán mò may rủi…”. Xác suất học kém mà đạt điểm tuyệt đối như em H. ít xảy ra, nhưng vẫn có thể, như trúng số độc đắc vậy. Nếu thi luận đề được cho là phù hợp với các môn khoa học xã hội, thi trắc nghiệm phù hợp với các môn khoa học tự nhiên. Cách thi nào cũng có hai mặt.
Thi trắc nghiệm đặc biệt thích hợp với các bài test kiểm tra kiến thức tổng quát. Đây là loại hình được nhiều công ty áp dụng trong việc sàng lọc ứng viên tuyển dụng nhưng phải khắc phục được tình trạng đoán mò, làm đại. Kinh doanh, luôn đòi hỏi sự chính xác và trung thực. “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” chứ không nói đại. Không biết thì hỏi. Việc xử lý tình huống kinh doanh càng phải minh bạch và kịp thời. Không thể mập mờ suy đoán. Tư duy cầu âu, may rủi kiểu thi trắc nghiệm hiện nay, nếu vận dụng vào kinh doanh sẽ rất nguy hại.
Để khắc phục tình trạng trên, chỉ cần thay đổi cách tính điểm. Việc làm giản đơn nhưng hiệu quả thiết thực và tức thì. Vẫn chấm điểm theo mẫu. Chỉ có điều khác biệt nhỏ là “các câu làm sai sẽ bị trừ điểm gấp đôi”. Hoặc ít nhất, “trừ điểm bằng câu trả lời đúng”. Thí sinh buộc phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời. Ai cũng cẩn trọng, vì “bút sa, gà chết”. Nhiều thí sinh bị loại vì điểm âm; dù số câu trả lời đúng khá nhiều, nhưng không bù nổi điểm trừ các câu trả lời sai.
Có thể vận dụng cách thi trắc nghiệm này cho các kỳ thi quốc gia để giảm thiểu sự may rủi và bất công đối với thí sinh.
Bình luận (0)