Trong khuôn khổ “Ngày hội hướng nghiệp và nguyện vọng 2” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 16-8 tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, các chuyên viên tư vấn đã cung cấp thông tin về lựa chọn nguyện vọng (NV) 2. Chúng tôi lược ghi những câu hỏi tiêu biểu.
Thí sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn tại “Ngày hội hướng nghiệp và nguyện vọng 2” do Báo NLĐ tổ chức sáng 16-8. Ảnh: N.HỮU
Khối A cạnh tranh cao
* Hiện tại nhiều trường đã công bố điểm chuẩn NV1. Vậy ngành nào, trường nào còn nhiều chỉ tiêu NV2 và ngành nào còn thiếu nhân lực cung cấp cho xã hội?
Trần Thanh Mai (quận Tân Bình - TPHCM)
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và Sau ĐH ĐH Quốc gia TPHCM, trả lời: Thí sinh nên tìm kiếm thông tin trên mạng, trên website của các trường để nắm rõ hơn về chỉ tiêu NV2. Theo thống kê, trên cả nước có đến 100.000 chỉ tiêu NV2. Đây được xem như cơ hội vàng của thí sinh chưa trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cần nghiên cứu kỹ, tranh thủ tối đa và cẩn trọng chọn ngành nào, trường nào phù hợp và có cơ hội trúng tuyển cao. Trong đó, thí sinh dự thi khối A nên cẩn trọng bởi sự cạnh tranh rất khốc liệt do có nhiều thí sinh dự thi. Riêng khối B, sự chênh lệch NV1 và NV2 không nhiều và tính cạnh tranh thấp hơn do ít thí sinh dự thi hơn các khối còn lại.
* Một ngành xét tuyển NV1, NV2 đều không đủ chỉ tiêu thì có giảm điểm xét tuyển hay không? Em muốn học ngành chỉ có ở hệ CĐ nhưng nhiều người lại khuyên nên học ĐH, vậy em nên chọn như thế nào?
Thế Hoàng (Trường THPT Tân Bình)
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa trả lời: Nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, các trường phải chấp nhận thiếu hoặc không mở ngành chứ không được hạ điểm xét tuyển. Đối với chỉ tiêu NV2, thí sinh nên thận trọng chọn ngành mình thích chứ đừng cố dựa vào ý thích của người khác hoặc bạn bè. Thí sinh nên quan tâm đến 1, 2 ngành mình thích và nộp hồ sơ xét tuyển.
* Dự thi ĐH khối A được 12, cộng thêm 1 điểm ưu tiên khu vực là 13 điểm. Vậy em có thể chọn ngành nào cơ hội trúng tuyển cao?
Việt Quang (quận Tân Bình - TPHCM)
- TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, trả lời: Đạt 13 điểm là thí sinh đủ điểm tối thiểu đăng ký xét tuyển vào ĐH. Thí sinh nên cân nhắc và tìm hiểu một số trường để lường trước xem ngành mình thích có nhiều thí sinh sẽ lựa chọn hay không, bao nhiêu chỉ tiêu NV2... Nếu chỉ tiêu ít thì e rằng khó trúng tuyển, bởi hầu hết các trường đều lấy điểm từ trên xuống. Tuy nhiên, nếu NV2 không đạt, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển NV3 vào các trường CĐ. Thí sinh hãy bình tĩnh tìm hiểu kỹ hơn bởi đến ngày 10-9 mới là hạn nộp hồ sơ cuối cùng.
Chọn ngành theo sở thích nghề nghiệp
* Cách thức các trường ĐH phân ngành sau khi thí sinh đã đỗ ĐH?
(Một học sinh Trường THPT _Nguyễn Thượng Hiền)
- TS Nguyễn Kim Quang trả lời: Một số trường xét tuyển theo điểm chuẩn chung cho một nhóm ngành, sau một thời gian học, dựa vào kết quả học tập và NV của sinh viên mới phân ngành. Cũng có nhiều trường xét tuyển theo điểm chuẩn của từng ngành. Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về các ngành, nhóm ngành để có sự lựa chọn phù hợp.
* Hiện có nhiều quan niệm phân biệt trường “top trên”, “top dưới”, ngành “nóng”..., vậy cơ hội nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường sẽ như thế nào?
Nguyễn Đình Anh (Trường THPT Tân Bình)
- TS Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, trả lời: Hiện trong xã hội có nhiều định kiến phân biệt về trường công lập, dân lập, tư thục... Nói chung, các trường công lập hay còn gọi là trường “top trên” có ưu điểm là sinh viên đầu vào tốt. Nhưng không có nghĩa là các trường dân lập - “top dưới” không có sinh viên giỏi. Cốt lõi là phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo của nhà trường và nỗ lực học tập của bản thân sinh viên sẽ giúp sinh viên có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
- TS Vũ Thế Dũng, Phó trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM, trả lời: Hiện có rất nhiều ngành học rất hay mà thí sinh và phụ huynh không biết đến. Ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM có ngành công nghệ dệt may, ngành quản lý công nghiệp..., hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm. Những ngành này điểm chuẩn không cao. Như vậy, khi lựa chọn nghề, thí sinh đừng nên nghĩ đến ngành “nóng” hay không “nóng”, mà quan trọng là dựa vào sở thích, điều kiện tài chính của bản thân để tự tin lựa chọn ngành nghề phù hợp.
* Ngành bảo trì dự phòng học ở đâu và điểm chuẩn bao nhiêu?
Tuấn Minh (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền)
- TS Vũ Thế Dũng trả lời: Liên quan đến bảo trì dự phòng, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, bậc CĐ có ngành bảo dưỡng công nghiệp, nếu thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên có thể đăng ký xét tuyển. Bậc ĐH có ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp có chuyên ngành liên quan đến vấn đề em quan tâm.
1.000 học sinh tham gia
Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với đại diện các trường ĐH, CĐ tại các gian trưng bày, học sinh còn được tư vấn chung tại hội trường với sự tham dự của PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và Sau ĐH ĐH Quốc gia TPHCM; TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM; TS Vũ Thế Dũng, Phó trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM; bà Nguyễn Nhật Thiếu Anh, Trường ĐH Hoa Sen; ông Hà Thế Vinh, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm; TS Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Mỹ. |
Bình luận (0)