Tính đến ngày 31-7, các trường ĐH đều đã công bố điều kiện xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Dù Bộ GD-ĐT đã lưu ý các trường tính toán ngưỡng điểm xét tuyển hợp lý nhưng ngoại trừ khối Y Dược thông báo điểm xét tuyển khá cao, nhiều trường ĐH dù ở tốp trên cho hay vẫn xét tuyển những hồ sơ có điểm từ sàn trở lên. Trước thực tế này, một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay thí sinh (TS) phải rất thận trọng khi nộp hồ sơ. “Điểm xét tuyển bằng điểm sàn sẽ giúp các trường thu được rất nhiều hồ sơ nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ bị loại của TS rất lớn. Với mức điểm nhận hồ sơ là 15 thì sự chênh lệch giữa điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển ở các trường tốp trên rất cao, có khi lên đến 10 điểm. Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định TS không được rút - nộp hồ sơ như năm ngoái nên TS phải hết sức thận trọng khi quyết định nộp hồ sơ vào trường mình yêu thích” - chuyên gia này nói.
PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, lưu ý để biết khả năng trúng tuyển, TS cần tham khảo bảng điểm chuẩn năm 2015 vào các ngành ở trường ĐH mà mình đang có ý định đăng ký. Nếu TS đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng (NV) hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm (GX) thì sẽ có tất cả 4 NV. Khi đăng ký chọn ngành, TS cần cân nhắc chọn ngành có khả năng trúng tuyển cao để bảo đảm có cơ hội cao nhất vào trường mình yêu thích.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh năm nay, Bộ GD-ĐT quy định các trường không được phép công khai tình hình diễn biến xét tuyển hằng ngày như năm 2015. Theo ông Ga, năm nay, mỗi TS đăng ký 2 trường với 4 NV theo ưu tiên. Vì thế, bản thân các trường cũng không biết được ngoài trường mình, TS đăng ký những trường nào khác. Vì thế, nếu công bố các thông tin này hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực khiến TS và người nhà hoang mang. Ông Ga nói thêm Bộ GD-ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai.
“Các trường phải cam kết bảo mật thông tin khi đăng ký tải dữ liệu, trường nào công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” - ông Ga cho biết. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đưa ra lời khuyên cho TS là hãy tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất khi xét tuyển.
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2016, trong đợt xét tuyển đầu tiên (đợt I), TS được đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Ở các đợt xét tuyển bổ sung, TS được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Tuy nhiên, khác với năm trước, TS không được thay đổi NV vào trường và ngành đã đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển.
Hỗ trợ thí sinh xét tuyển trực tuyến
Một điểm mới đáng lưu ý là năm nay có thể thực hiện việc đăng ký xét tuyển cho trường theo 3 hình thức: qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh, đăng ký trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường ĐH, CĐ. Có 4 bước để thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến là chọn trường, chọn ngành, nhập mã xác nhận và kết thúc. Bộ GD-ĐT cũng cập nhật số điện thoại đường dây nóng miễn phí để hỗ trợ TS đăng ký xét tuyển trực tuyến. TS có thể gọi điện đến số 18008000 - nhánh 1 để được hỗ trợ sử dụng chức năng đăng ký xét tuyển trực tuyến; nhánh 2 để được hỗ trợ về mã xác nhận.
Đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc sớm hơn so với các phương thức đăng ký xét tuyển khác một ngày. Nếu sau thời gian kết thúc đăng ký trực tuyến, TS nào chưa đăng ký được, cần đăng ký xét tuyển theo đường bưu điện (thời hạn nộp sẽ tính theo dấu bưu điện) hoặc trực tiếp tại trường.
Bình luận (0)