Chị H., phụ huynh Trường THCS Trần Quốc Toản (quận 9, TP HCM) phản ánh rất nhiều trường tại quận 9 phụ huynh bị yêu cầu đóng góp may màn che nắng, mua bóng bay ngày khai giảng, mua báo, mỗi học sinh phải có tối thiểu 3-4 bộ đồng phục. Còn ở nhiều trường học khác, phụ huynh nản lòng với kiểu lách luật, chia nhỏ từng khoản để thu của các trường.
Từ xây nhà vệ sinh đến hỗ trợ sư phạm
Chị T., phụ huynh khối 11 Trường Trung học Thực hành thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết ngay từ đầu năm học 2014, nhà trường có tổ chức họp phụ huynh đầu năm để thông báo đóng học phí và cơ sở vật chất cho nhà trường. Trong đó, phần đóng cơ sở vật chất là 1,5 triệu đồng để trang bị nhà vệ sinh cao cấp và các dàn máy tính hiện đại. “Theo tôi được biết, số tiền này năm ngoái khối 12 đã đóng một phần là 500.000 đồng. Các khối 10 và 11 cũng đóng một phần cho công trình này. Thế mà năm nay nhà trường lại yêu cầu đóng tiếp. Chúng tôi thắc mắc là kế hoạch trang bị như vậy không được công khai cho phụ huynh biết tổng số tiền trang bị bao nhiêu, trong đó phần nào đã đóng trước, phần còn lại bao nhiêu, từng khối phải đóng bao nhiêu. Chúng tôi rất bức xúc vì cách làm của nhà trường không rõ ràng” - chị T. nói.
Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Tạ Uyên (huyện Nhà Bè), thắc mắc việc nhà trường thu quá nhiều khoản tiền và quy định tất cả phụ huynh phải đóng như nhau. Cụ thể, mỗi phụ huynh phải đóng hơn 1 triệu đồng, trong đó đã thu tiền kiểm tra định kỳ 20.000 đồng/năm, trường còn thu thêm tiền kiểm tra thường xuyên 50.000 đồng/năm; vừa tiền tăng cường tiếng Anh là 70.000 đồng/tháng, trường còn thu thêm tiền học tiếng Anh với người bản xứ là 170.000 đồng/tháng. “Những khoản này mới nghe có vẻ không nhiều nhưng cộng lại cũng khiến chúng tôi chóng mặt” - phụ huynh này phản ánh.
Anh H., phụ huynh một trường mầm non tại quận 3, kể: Trong cuộc họp đầu năm, cô hiệu trưởng sau khi đọc bản thành tích của nhà trường, thông báo những khoản thu theo quy định thì kèm theo câu “nhờ phụ huynh đóng góp hỗ trợ đời sống bảo mẫu, hỗ trợ sư phạm cho các cô”. “Ai cũng muốn các cô chăm con tốt hơn nên chẳng phụ huynh nào dám không đóng góp” - anh H. nói.
Tại phụ huynh tự nguyện (?!)
Nhiều phụ huynh cho biết cuộc họp ban đại diện đầu năm đều trở thành màn độc diễn của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện tự đề xuất mức thu, tự biểu quyết. Nói là thu các khoản trên tinh thần tự nguyện nhưng không tự nguyện cũng không được vì chẳng ai muốn con mình lạc loài mà đóng thì ấm ức. Anh M.N, phụ huynh một trường mầm non tại quận 5, kể: Vào cuộc họp, ban đại diện đề nghị biểu quyết về khoản đóng góp cho nhà trường 120 triệu đồng trong năm học này để các bé đi sinh hoạt ngoại khóa, bao gồm: đi Bưu điện TP, Bến Nhà Rồng và siêu thị Aeon Mall. Ngoài ra còn mua 6 tivi, sửa lại sân trường ở cơ sở khác, phần thưởng cuối năm cho học sinh học giỏi... “Khi biểu quyết thì phụ huynh ủng hộ quá nhiệt tình, cộng thêm sự hăng hái của hội trưởng hội phụ huynh nên tôi cũng giơ tay đồng ý. Khi tôi vừa giơ tay thì các cô giáo đã chụp hình lại để báo cáo lên cấp trên. Tổng cộng mỗi gia đình đóng 360.000 đồng/năm cho các khoản trên” - anh M.N cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình nhà vệ sinh Trường Trung học Thực hành vận động phụ huynh xây dựng từ năm học 2013-2014 với tổng kinh phí 900 triệu đồng (trong đó ngân sách do Trường ĐH Sư phạm TP HCM cấp 700 triệu, phụ huynh đóng góp 200 triệu); năm nay tiếp tục được vận động và vừa hoàn thành đưa vào sử dụng, mức vận động đóng góp là 1,5 triệu đồng/phụ huynh. Một cán bộ của trường cho biết đúng là có mức đóng góp 1,5 triệu đồng/phụ huynh nhưng hoàn toàn là tự nguyện. Nếu phụ huynh nào năm trước đã đóng thì năm nay không đóng nữa. Vị này cũng cho biết hiệu trưởng đi công tác nước ngoài, hiệu phó không được giao trả lời vấn đề mà phụ huynh đề cập.
Bà Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tạ Uyên, cho rằng các khoản nhà trường thu đều thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh và theo hướng dẫn từ phòng giáo dục và đào tạo. “Những khoản như tiền kiểm tra định kỳ và thường xuyên, nhà trường thu để in đề kiểm tra, học sinh không phải tự bỏ giấy và chép lại đề như trước đây. Dù thông báo là thế nhưng phụ huynh không bị ép buộc mà đóng tự nguyện”- bà Lợi phân trần.
Không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện để thu góp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Công văn của Bộ GD-ĐT cho biết tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh mua (may) quần áo đồng phục gây bức xúc trong dư luận. Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở GD-ĐT phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các nội dung: Hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện những khoản thu, chi trong trường học bảo đảm đúng quy định hiện hành; có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) đồng phục trái quy định.
Bình luận (0)