Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 5, TP HCM - cho biết dù các trường chưa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 nhưng đã có trường hợp phụ huynh (PH) đến phòng GD-ĐT đề đạt nguyện vọng, xin tư vấn để chuyển trường cho con học trái tuyến.
Nóng chuyện chọn trường
Chị M. Lan, một PH tại quận 5, cho biết nhà chị ở phường 8, theo phân tuyến như mọi năm thì con chị sẽ vào Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) nhưng vợ chồng chị đều làm ở quận 1 nên sẽ phải tính đến phương án “chạy” cho con vào một trường ở quận 1 để tiện đưa đón. Anh Quang, một PH tại quận 7, cho biết theo phân tuyến, con anh sẽ vào Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Phú Thuận) song vị trí của ngôi trường nằm trong góc của khu dân cư, rất chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp nên anh không muốn gửi “cục cưng” vào trường này mà đang nhắm xin cho con vào Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (phường Tân Kiểng).
Nhiều PH còn tính toán việc để con học tốt tiếng Anh thì phải tìm trường nào có tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường, có giáo viên người bản xứ. “Chính vì thế, những thương hiệu như Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng tại quận 1; Trường Tiểu học Minh Đạo, Chính Nghĩa tại quận 5; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tại quận 4... luôn là đích nhắm của rất nhiều PH” - lãnh đạo một phòng GD-ĐT phân tích.
Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cho rằng về cơ bản năm nay, việc phân tuyến xét tuyển vào lớp 1 vẫn giữ nguyên như năm cũ. “PH “chạy” trường có thể vì họ tin yêu ngôi trường đó, lại ở trung tâm nên thuận tiện đưa đón; còn đầu tư từ ngân sách cho các trường như nhau, trình độ giáo viên không có sự phân biệt” - ông Căn nói.
Siết chặt yêu cầu phân tuyến
Theo bà Võ Ngọc Thu, như mọi năm, để tránh tình trạng chạy trường, phòng sẽ siết các yêu cầu như đúng phân tuyến, yêu cầu hộ khẩu, đồng thời tổ chức nhiều buổi giới thiệu mô hình trường tiểu học của em để PH tìm hiểu về ngôi trường mà con mình sẽ theo học.
“Lâu nay, PH thường có tâm lý chọn trường cho con vì sĩ diện, muốn thể hiện con mình được học trường này, trường kia mà không để ý đến tâm lý của trẻ. Khi PH “chạy” cho con vào một trường trái tuyến, hết giờ học ở trường, trẻ khó hòa nhập với bạn bè lân cận vì không có sự thân thiết, quen biết… Về lâu dài sẽ có sự phân biệt đẳng cấp trẻ học trường này, trường kia. Như vậy là tạo sự áp đặt và áp lực lên trẻ” - bà Thu nói. Bà Thu phân tích thêm: Không phải cứ “chạy” cho con vào trường có tiếng là PH có thể yên tâm bởi lẽ trường nhỏ thì kinh phí ít, xã hội hóa thấp, trường lớn thì xã hội hóa nhiều, tạo thêm áp lực cho gia đình.
Ông Phạm Xuân Đông, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, nói rằng chính sự quan tâm của PH tạo nên chất lượng và khoảng cách của các trường khiến tình trạng “chạy” trường thêm căng thẳng. Trong khi ở những trường tạm gọi là nghèo, người thầy còn có nhiều phương pháp, kỹ năng để giáo dục trẻ không thua kém các trường giàu.
“Quận 7 đang tiến hành sắp xếp lại các trường nhỏ lẻ để chuẩn hóa theo yêu cầu xây dựng các trường hiện đại. Tuy nhiên, để tránh tiêu cực, tạo sự công bằng trong tuyển sinh, vẫn cần sự nỗ lực của hiệu trưởng các trường để bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao hiệu quả giáo dục” - ông Đông cho biết.
Ông Đinh Thiện Căn nhận định: Để hạn chế tình trạng chạy trường, cần sự nỗ lực của các hiệu trưởng. Hiệu trưởng cần mạnh dạn đổi mới để thay đổi bộ mặt của trường để thuyết phục PH. Tuy điều này không thể một sớm một chiều thực hiện ngay được nhưng nếu kiên trì sẽ có kết quả.
Bình luận (0)