Trong lớp 1A Trường Tiểu học Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa), Đào Ngọc Minh "nổi bật" giữa những bạn bè khác bởi chiếc mặt nạ bằng vải che kín đầu. Đôi mắt to tròn, đen láy hướng lên bảng như nuốt từng lời cô giảng. Hễ có bài toán khó, cả lớp không ai làm được, Minh lại xung phong lên tìm ra đáp án.
Tay trái mất toàn bộ ngón chỉ còn lòng bàn tay quấn băng nhưng Minh vẫn cố giữ chặt thước kẻ. Còn các ngón tay phải dính liền nhau, cậu vẫn cầm được phấn để nối phép tính và đáp số đúng. Xong xuôi, Minh khó nhọc nhấc từng bước chân về chỗ ngồi và cười tươi khi cô giáo nhận xét bài làm đúng.
Bị bạn bè gọi là "siêu nhân", "người nhện" nhưng Minh không để tâm. Ảnh: Hoàng Phương
Ít ai ngờ, 6 tháng trước, Minh là cậu bé khôi ngô, nhanh nhẹn. Hôm ấy, cậu nằng nặc đòi về quê nội ở Quảng Xương chơi trước khi vào năm học mới. Sáng ra khỏi nhà con trai còn lành lặn, buổi chiều vợ chồng chị Lê Thị Hoa nhận được tin con bị bỏng nặng trong vụ cháy đống rơm và đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Minh bị bỏng hô hấp, tỉ lệ bỏng toàn thân 60% và không có khả năng hồi phục. Ngọn lửa lấy đi một nửa mặt phải và để lại những vết sẹo lồi trên khắp thân thể cậu bé. Nửa mặt trái còn vẹn nguyên vẻ khôi ngô khiến ai cũng xót thương.
Chị Hoa tâm sự 12 ngày con cấp cứu ở Viện Nhi, hơn 3 tháng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia là quãng thời gian chị không muốn nhớ lại nhất. Hằng ngày, chứng kiến con giãy giụa, đau đớn vì những vết thương, chị như đứt từng khúc ruột.
Thời gian đó, vợ chồng chị tạm nghỉ việc, bồng bế cả em trai Minh mới 8 tháng tuổi ra Hà Nội, thuê nhà ở để tiện chăm sóc con. Là y tá nhưng khi chăm sóc cho con trai, chị Hoa không khỏi lúng túng, chỉ sợ làm sai một thao tác, con lại đau.
Nhớ lại những lúc tắm và thay băng cho con, chị Hoa thoáng rùng mình. Băng tháo đến đâu, vết bỏng loét ra đến đó. Cả người cậu bé chi chít sẹo, đỏ như tôm luộc. Xót con, chị cắn chặt môi để không bật khóc thành tiếng. Tắm cho con, chị không còn chỗ nào để "bấu víu" vì da trên người em bị cháy gần hết.
Nằm Viện Bỏng 3 tháng, cậu bé 6 tuổi trải qua 8 cuộc phẫu thuật lấy da đắp da, cộng thêm ca cắt da bị hoại tử khi còn nằm ở Viện Nhi là 9 lần. Có những chỗ phải lấy đến 3 lần như vùng da cánh tay trái. Nằm trên giường bệnh, Minh đếm từng ngày để được ra viện. Mấy tháng hè, cậu đã học thuộc làu bảng chữ cái, thông thạo các phép tính, còn tự viết được tên trường, họ tên đầy đủ vào nhãn vở.
Trước tai nạn, Minh có khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu. Ảnh: Hoàng Phương.
Lúc Minh nằm viện, có lần bố em phải về đơn vị nhận công tác nên anh hứa khi trở ra sẽ mang cho con trai bộ sách lớp 1. Hôm đó, Minh ngồi xe lăn bảo mẹ đẩy ra tận hành lang đón bố. Vết thương rỉ máu, đau thấu xương nhưng em vẫn gắng rướn người khỏi xe, nhìn về cuối hành lang tìm bóng dáng bố. Thấy con mệt và đau, chị Hoa giục về phòng nhưng em nhất quyết đợi.
Bị lỡ chuyến xe, đến bệnh viện lúc sẩm tối, anh Thụ thấy con vẫn đợi ở chân cầu thang, đầu gục xuống vì mệt. Anh bế con trai về phòng, vừa đi vừa gạt nước mắt. Minh gục đầu vào vai bố, tay ôm khư khư mấy quyển sách lớp 1.
Lúc Minh tập đi trở lại thì cậu em gần một tuổi cũng lò dò biết đi. Nhà hai anh em, đứa 6 tuổi, đứa 1 tuổi giờ tập đi cùng lúc. Chân trái bị bỏng nặng, ảnh hưởng đến xương khiến Minh không tự đứng được. Bố mẹ mua cho Minh chiếc xe đẩy rồi đặt em vào trong, tập đi từng bước.
Đến khi không cần xe đẩy nữa, Minh tự vịn vào bờ tường, cạnh bàn để đi. Tập đi rồi, Minh còn phải tập viết để đến lớp học. Mỗi lần tập viết, cậu bé đánh vật với cây bút. Nhiều lúc đau nhức, bút rơi khỏi tay em lúc nào không hay.
Xuất viện cuối tháng 10, Minh đòi đi học ngay mặc cho bố mẹ khuyên ngăn cần phải nghỉ ngơi cho sức khỏe tốt hơn mới được tới trường. Buổi chào cờ tuần học đầu tiên của trưởng tiểu học thị trấn Sao Vàng rất đặc biệt. Đào Ngọc Minh ngồi bên cạnh cô hiệu trưởng. Cô giới thiệu em với cả trường và dặn dò những học sinh khác hết sức giúp đỡ bạn trong học tập và sinh hoạt. Minh nhanh chóng hòa nhập với lớp học mà không hề ngại ngùng.
Tới trường, cậu bé vẫn phải trùm mặt nạ y tế kín cả đầu, chân tay quấn đầy bông băng để tránh vết bỏng bị nhiễm trùng. Một số bạn gọi em là "siêu nhân", "người nhện" nhưng Minh không để tâm đến những lời trêu chọc đó. Trái lại, em còn vui vẻ khoe với bố điểm 10 môn Toán trong ngày đầu tiên đi học.
Minh có nhiều tài lẻ, đặc biệt là vẽ và hát. Ngọc Minh ước mơ trở thành lính cứu hỏa nhưng sau ký ức kinh hoàng về tai nạn, Minh muốn học giỏi để trở thành nhà khoa học.
Nụ cười vẫn luôn nở trên môi Ngọc Minh. Ảnh: Hoàng Phương
Cô Trần Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp 1A, kể đi học chậm gần 2 tháng so với các bạn nhưng Minh đã đuổi kịp chương trình, còn vươn lên đứng nhất nhì trong lớp. Từ hôm đi học, Minh chưa nghỉ buổi nào. Vết bỏng lên da non, ngứa ngáy khó chịu, đau nhức nhưng em không khóc.
Còn hiệu trưởng Lê Thị Liên cho biết thêm trường đã tặng sách vở, quần áo và miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho Minh. Đồng thời, đề nghị phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện làm thủ tục cho Minh được hưởng chế độ người tàn tật.
Sắp tới, Minh sẽ tiếp tục trở lại Viện Bỏng Quốc gia thực hiện phẫu thuật tách rời các ngón của bàn tay phải. Chị Hoa chia sẻ từ giờ đến tuổi trưởng thành, mỗi năm Minh sẽ phải thực hiện phẫu thuật ít nhất một lần để can thiệp cân bằng vai bên phải đang bị lệch và điều trị sẹo...
Để có tiền chữa bệnh cho con, vợ chồng anh Thụ đã phải cắm sổ đỏ, cầm cố ngôi nhà đang ở. Và điều vợ chồng anh kỳ vọng nhất là thời gian tới, "Ngọc Minh vẫn còn tự tin và đủ sức chịu đựng để tiếp tục điều trị lâu dài".
Bình luận (0)