Kẹt xe tại Cần Thơ
Điều đáng nói là ở 2 đợt thi ĐH vừa qua có 50 trường ĐH và 96 trường CĐ không tổ chức thi. Giả thử 146 trường này cũng tổ chức thi thì số phòng thi, điểm thi tăng thêm rất lớn nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi và số thí sinh thực tế dự thi là không thay đổi vì thi cùng đợt. Các trường không thi sẽ tuyển thí sinh từ các trường có tổ chức thi và việc này đã được thực hiện từ mấy năm nay.
Đây thực sự là một giải pháp hay, tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỉ đồng. Và chính vì vậy nên nhiều người không hiểu vì sao năm nay vẫn còn tổ chức thi tuyển sinh đợt 3 đối với 130 trường CĐ (gồm 492.790 bộ hồ sơ đăng ký, chiếm 25% tổng số hồ sơ đăng ký thi vào ĐH, CĐ).
Để tổ chức thi, các trường CĐ đã phải chuẩn bị 13.328 phòng thi, điều động 38.064 cán bộ tham gia tuyển sinh. Cách thi cử cũng y nguyên như thi đợt 1 đợt 2. Cụ thể khối A thi vật lý, hóa học, toán; khối B thi sinh vật, toán, hóa học; khối C thi ngữ văn, lịch sử, địa lý; khối D thi ngữ văn, toán, ngoại ngữ.
Và tất nhiên là để tổ chức thi CĐ như vừa qua thì tiền chi cho 492.790 bộ hồ sơ, tiền thuê phòng thi trong 2 ngày (mỗi ngày cũng phải ít nhất là 500.000 đồng/phòng), chi phí ăn ở, đi lại cho cán bộ tuyển sinh (ít nhất cũng phải hết 2 triệu đồng/người), tiền chi ăn ở, đi lại cho thí sinh trong 3 ngày đi thi cùng phụ huynh đi theo mỗi ngày… Tổng số tiền chi thật sự khó mà tính toán đủ nhưng rõ ràng là rất lớn. Hệ lụy tiếp theo là các trường sẽ còn phải lãng phí trong việc gọi tuyển sinh vì nhiều em đã trúng tuyển vào ĐH đợt 1, đợt 2 rồi nên có nhận được giấy báo trúng tuyển CĐ thì cũng để xem chơi.
Vậy thì tại sao 130 trường CĐ này không tuyển sinh theo hình thức mà 146 trường ĐH, CĐ khác áp dụng ngay chính trong cùng kỳ tuyển sinh này? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý.
Bình luận (0)