Hơn 31 năm trước (tháng 8-1989), Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (PTKH-CNT) ra đời, tiền thân là Ban Khoa học Kỹ thuật trẻ thuộc Thành Đoàn TP HCM. Trải qua hơn 30 năm đồng hành và chia sẻ niềm say mê nghiên cứu khoa học với giới trẻ, trung tâm đã để lại nhiều dấu ấn. Để trở thành "chiếc cầu nối" khoa học cho đội ngũ trẻ, không thể không kể đến vai trò của anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm PTKH-CNT.
Khơi gợi đam mê
Năm 2010, anh Đoàn Kim Thành được điều động về công tác tại Trung tâm PTKH-CNT với vị trí phó giám đốc. Một năm sau, anh trở thành giám đốc khi mới 30 tuổi.
Suốt 10 năm gắn bó, anh Thành cho biết đến nay, quy mô hoạt động và các lĩnh vực mà Trung tâm PTKH-CNT đảm nhận đã phủ rộng hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu khi trung tâm hình thành trong bối cảnh đất nước vừa đổi mới được vài năm. "Mỗi năm, trung tâm điều hành 16 chương trình, giải thưởng, cuộc thi, hoạt động về khoa học liên quan đến giới trẻ. Đó là bước chuyển mình của trung tâm nhưng cũng chính là đòi hỏi mà thực tiễn cuộc sống đặt ra" - anh nhìn nhận.
Điều làm anh Thành trăn trở nhất là làm sao truyền được niềm đam mê, sự yêu thích nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong giới trẻ. Muốn truyền được đam mê đó thì phải tạo được nhiều sân chơi phù hợp với những đối tượng khác nhau.
Hiểu được điều đó, Trung tâm PTKH-CNT đã tổ chức Hội thi Tin học trẻ dành cho học sinh. Đối với sinh viên - vốn đã có nền tảng kiến thức khoa học - công nghệ, có sản phẩm, có khả năng triển khai và ứng dụng - trung tâm tổ chức các giải thưởng nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế tạo, ứng dụng. Với đội ngũ trí thức trẻ từ trình độ đại học trở lên, trung tâm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, từ đó ươm mầm cho họ trở thành nhà khoa học tương lai.
Anh Thành cho biết các chương trình cũ qua mỗi năm đều có cách thức tổ chức, vận hành mới và kết quả đem lại cũng phải mới. Điển hình là Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Trước đây, giải thưởng này chỉ dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM. Từ năm 2016, giải thưởng đã mở rộng ra các tỉnh, thành phía Nam, đến năm 2017 thì quy mô cả nước và đến giờ đã trở thành giải thưởng quy tụ nhiều sinh viên các trường đại học tham gia nghiên cứu khoa học nhất.
Từ nhiều chuyến tham quan, giao lưu ở Trung Quốc, Malaysia..., anh Thành nung nấu ý định tổ chức một diễn đàn khoa học quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Anh đã đề xuất Ban Thường vụ Thành Đoàn TP HCM tổ chức diễn đàn sinh viên khoa học quốc tế tại TP. "Tôi muốn sinh viên TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có cơ hội được thế giới biết đến nhiều hơn" - anh bộc bạch.
Từ khi ra đời vào năm 2016, mỗi năm diễn đàn được tổ chức một lần, quy tụ 100 sinh viên được tuyển chọn trong nước và quốc tế về TP HCM để giao lưu, học tập và giới thiệu sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ bạn bè quốc tế, hình ảnh sinh viên Việt Nam được lan tỏa nhiều hơn.
Phát hiện, ươm mầm
Nói về điều tâm đắc nhất với Trung tâm PTKH-CNT, anh Đoàn Kim Thành không giấu được vẻ tự hào: "Đó là tạo ra đội ngũ những nhà khoa học cho tương lai". Theo anh, tất cả hội thi, giải thưởng của trung tâm đều xoay quanh một mục tiêu lớn: Kích thích niềm đam mê học tập, sáng tạo khoa học - công nghệ trong giới trẻ. Từ niềm đam mê, sáng tạo đó sẽ xuất hiện những người tiêu biểu, nổi bật hoặc xuất hiện các sản phẩm có thể triển khai ứng dụng được trong thực tế.
Anh Thành cho biết nhiều người qua các hội thi, giải thưởng của Trung tâm PTKH-CNT đã rèn luyện, trở thành nhà khoa học. Trong đó, điển hình là PGS-TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
"Anh Trần Minh Triết từng tham gia Hội thi Tin học trẻ và đoạt giải nhất. Khi vào đại học, tham gia Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, anh cũng đoạt giải nhất, rồi tham gia chương trình Vườn ươm. Bây giờ, anh quay lại hỗ trợ các hoạt động của trung tâm và là chủ tịch hội đồng của Hội thi Tin học trẻ TP" - anh Thành cho hay.
Giám đốc Trung tâm PTKH-CNT còn dẫn chứng câu chuyện về cậu bé thần đồng công nghệ thông tin Nguyễn Dương Kim Hảo. Trung tâm phát hiện Hảo từ Hội thi Tin học trẻ khi cậu đang học lớp 5 ở Tiền Giang. Từ hội thi này, trung tâm nhận thấy Hảo rất triển vọng nên đã đề xuất với gia đình đưa cậu lên TP HCM học. Trung tâm đã hỗ trợ học bổng, kinh phí, liên tiếp đưa Hảo tham gia các giải thưởng sáng tạo trong nước và quốc tế. Trung tâm cũng xin học bổng cho cậu đi học ở Mỹ. Hiện giờ, Hảo vừa đi học vừa làm bán thời gian cho Facebook.
Còn nhiều cái tên khác như Lê Uyên Thanh - tác giả phần mềm Busmap đang ứng dụng cho xe buýt tại TP HCM - được phát hiện từ Hội thi Tin học trẻ TP, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka; PGS-TS Từ Diệp Công Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu... "Hàng trăm phó giáo sư, tiến sĩ đã trưởng thành từ những chương trình của trung tâm" - anh Thành khẳng định.
Anh Đoàn Kim Thành tặng dung dịch sát khuẩn Anolyte cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM
Vẫn luôn trăn trở
Nhạy bén trước cuộc sống thực tiễn, anh Đoàn Kim Thành đã chỉ đạo Trung tâm PTKH-CNT phối hợp với các nhà khoa học trẻ sản xuất dung dịch Anolyte có khả năng kháng khuẩn trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Đến nay, 180.000 lít Anolyte đã được trao miễn phí cho các đơn vị từ Quảng Trị trở vào và tặng nước bạn Lào, Campuchia.
Đối với các chương trình lớn của TP HCM đang triển khai như đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông…, anh Thành đã yêu cầu Trung tâm PTKH-CNT lồng ghép vào các hội thi công nghệ thông tin có chủ đề về du lịch thông minh, y tế thông minh... Bên cạnh đó là chuyện phổ cập công nghệ thông tin cho người dân bởi anh hiểu rằng "thành phố thông minh thì phải có con người thông minh".
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệmkỳ 2017-2020, một bài toán được đặt ra là phải làm sao để mỗi thanh niên có một ý tưởng sáng tạo. Điều này khiến anh Thành trăn trở. TP HCM có khoảng 2,4 triệu thanh niên, chỉ cần mỗi người có một ý tưởng sáng tạo là TP đã có 2,4 triệu ý tưởng sáng tạo. Thế nhưng, làm thế nào để ghi nhận được ý tưởng của thanh niên?
Trăn trở ấy đã thôi thúc anh Thành cho ra đời sáng kiến Cổng thông tin ý tưởng sáng tạo TP HCM và đã được TP công nhận. Đến nay, cổng thông tin đã tiếp nhận khoảng 80.000 ý tưởng. Anh Thành cho biết ngoài việc lưu giữ ý tưởng của thanh niên, cổng thông tin còn thống kê có bao nhiêu ý tưởng ra đời.
"Cách làm của mình là ý tưởng theo chủ đề được định hướng xung quanh các chương trình đột phá của TP HCM, chương trình tình nguyện, xây dựng tổ chức Đoàn; không dừng lại ở việc tập hợp mà còn phải khai thác ý tưởng trên cổng thông tin đó" - anh Thành bộc bạch.
Từ hàng ngàn ý tưởng, Trung tâm PTKH-CNT sẽ tổ chức sàng lọc, chọn ra những ý tưởng khả thi để có những đề xuất thiết thực cho TP. Qua cổng thông tin, anh Thành mong muốn kích thích thanh niên "động não", từ phong trào đi dần đến chuyên môn, từ mục tiêu về số lượng để tìm mục tiêu về chất lượng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành còn bày tỏ rất nhiều trăn trở: "Những hoạt động của Trung tâm PTKH-CNT vẫn chưa đáp ứng được một cách toàn diện nhu cầu của thanh niên TP. Do đó, trung tâm tiếp tục thúc đẩy những chương trình đã làm được; với những chương trình đi đúng xu thế phát triển khoa học - công nghệ thì tiếp tục triển khai, nâng cao, mở rộng đối tượng".
Một thủ lĩnh tận tâm
Chị Nguyễn Phạm Tuyết Hồng, cán bộ Trung tâm PTKH-CNT, nhận xét: "Anh Đoàn Kim Thành là một thủ lĩnh tận tâm, một tấm gương sáng cho cán bộ, nhân viên noi theo". Chị Hồng cho biết anh Thành có rất nhiều sáng kiến, từ đó truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Người nào có ý tưởng, sáng kiến đều được anh ủng hộ hết mình.
Trong khi đó, anh Huỳnh Hiển, Phòng Truyền thông và Dịch vụ khoa học công nghệ - Trung tâm PTKH-CNT, dùng hai từ "ngưỡng mộ" khi nhắc đến người lãnh đạo của mình. "Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của anh Thành, trung tâm sẽ tiếp tục vững bước và hoàn thành sứ mệnh đề ra là đơn vị tập hợp, động viên và phát huy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật của tuổi trẻ TP HCM" - anh Hiển bày tỏ.
Bình luận (0)