Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi mới bước chân vào giảng đường đại học. Trở lại giảng đường với hành trang người lính, tâm trạng của tôi khác hẳn. Cuộc sống đời thường chẳng có gì đáng ngại nhưng chuyện học hành thì quả là cả vấn đề.
Những bài giảng mê hoặc về lịch sử thế giới
Theo thời gian cũng như được sự tận tình dìu dắt, giúp đỡ của thầy cô trong khoa, việc học của tôi ngày càng chuyển biến rõ rệt. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết sinh viên đều có chung cảm nhận khi được học với thầy cô trong ngôi nhà chung Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Huế là một niềm vui lớn.
Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Việt chụp hình cùng sinh viên Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Huế. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Sẽ là khiếm khuyết nếu không nhớ đến thầy - người tôi muốn nhắc tới là cố Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Việt, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Huế. Trái ngược với những suy nghĩ ban đầu sau mấy lời giới thiệu làm quen, chúng tôi đã bị cuốn hút bởi chất giọng xứ Quảng cùng khẩu khí cuốn hút của thầy.
Trong bài giảng hiện nay của chúng tôi khi dạy về 2 nền văn minh trong thế giới cổ đại luôn có hình ảnh của thầy. Vẫn còn đâu đây giọng trầm hùng của thầy khi nói về một số điều luật (trong 200 điều) của Bộ Luật cổ Hammurabi. Đó là vấn đề trọng nam khinh nữ hay sự suy yếu dần về quyền của phụ nữ, cũng như mức độ tàn khốc tăng dần trong việc đối xử với nô lệ dưới sự cầm quyền của "Hội đồng trưởng lão".
Qua bài giảng của thầy, lần đầu tiên chúng tôi biết đến "vườn treo Babylon". Đây một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, được ca ngợi là thành tựu nổi bật về kỹ thuật xây dựng với một chuỗi vườn bậc thang, có đủ các loại cây và dây leo đa dạng, tạo nên một ngọn núi xanh lớn được đắp bởi bùn và gạch…
Với sự dẫn dắt của thầy, chúng tôi lại bị mê hoặc bởi "những bánh xe nước" đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nền văn minh nông nghiệp thời tiền sử, đó là sự uốn lượn, tuôn chảy của 2 con sông Tigris và Euphrates. Ngày qua ngày, nó đã bồi đắp và hình thành nên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trước khi đổ ra vịnh Ba Tư...
Đâu dễ lãng quên
Thầy ơi! Em còn nhớ như in vào một ngày cuối thu năm 1998, khi vừa dạy xong tiết "Văn hóa Hy Lạp - Rome cổ đại", bỗng dưng em nhớ thầy quá! Nhớ ngày em được nghe thầy giảng về văn hóa cổ đại, nhớ về những ngày đã qua...
Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Việt (1934 - 2015) (Ảnh do tác giả cung cấp)
Em cố hình dung lại ngày xưa thầy giảng cho mình như thế nào? Em cố chắt chiu từng lời dạy còn đọng lại để truyền lửa cho học trò bằng những lời đầy nhiệt huyết của thầy ngày xưa; bằng phong cách uyên thâm, lắng đọng của thầy; bằng vốn tri thức mà em từng gom góp trong những năm tháng được học với thầy. Khi tiết giảng vừa xong, em cảm thấy lòng mình thanh thản lạ.
Dư âm của tiết giảng như vị ngọt của hoa trái đầu mùa vẫn còn đọng mãi. Học trò chăm chú nghe em giảng về những thành tựu kỳ diệu, độc đáo của thời kỳ dĩ vãng xa xôi… Và thầy ạ! Nỗi nhớ cứ tràn ngập lòng em. Thưa thầy, nước mắt em như muốn tuôn trào!
Trước mắt em, hình ảnh thầy hiện về lung linh, tuyệt đẹp. Em nhớ về lớp học ngày xưa. Từ ngày đầu nhập học, dù đời sống rất nhiều khó khăn, số sinh viên yêu môn sử không nhiều nhưng khi được nghe thầy giảng về thế giới cổ đại, họ đã say đến mức tưởng như không biết đến thời gian trôi đi, cứ chăm chú lắng nghe, nuốt trọn từng lời.
Rồi năm học cuối, thầy đến với chúng em bằng chuyên đề "Văn hóa thế giới cổ đại" đầy bổ ích và lý thú, khép lại cuộc hành trình ngọt ngào đến với bốn biển năm châu của đời sinh viên khoa lịch sử mà chúng em đâu dễ lãng quên!
Tự hào về thầy
Cuối năm 1994, về nghỉ hưu theo chế độ, thầy vẫn giảng dạy theo hợp đồng tại khoa lịch sử, tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết về nghề cho các thế hệ sinh viên...
Thầy ơi! Thầy đã mãi đi xa nhưng em luôn tự hào kể với học trò của mình: Ngày xưa, thầy có một người thầy dạy lịch sử tuyệt vời!
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)