Vậy tại sao ngày càng có nhiều trường ĐH và CĐ chuyển trách nhiệm dạy ngoại ngữ cho trung tâm của nhà trường hay đẩy sinh viên đi kiếm chứng chỉ ở các cơ sở dạy ngoại ngữ không thuộc sự quản lý của trường? Khi tuyển sinh thì trường nào cũng báo cáo với Bộ GD-ĐT là đã có đầy đủ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, bảo đảm sinh viên ra trường có chất lượng và việc làm ngay. Thế mà ai có ngờ nhiều trường lại thả nổi việc dạy và học ngoại ngữ; không biết người dạy, người học ra sao, chỉ cần sinh viên mang được cái chứng chỉ về nộp bổ sung vào bộ hồ sơ xét tốt nghiệp là được.
Việc “khoán trắng” cho sinh viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới được cấp bằng tốt nghiệp dẫn đến việc thúc đẩy các cơ sở làm chứng chỉ giả, bằng cấp giả mà chúng ta đang thấy đầy rẫy trong xã hội. Mặt khác, với chủ trương chỉ cần có chứng chỉ ngoại ngữ để bổ sung vào hồ sơ tốt nghiệp thì không biết chất lượng ngoại ngữ ở bậc ĐH sẽ đi về đâu khi mà sinh viên không cần học mà chỉ cần có tiền là mua được chứng chỉ ngoại ngữ?
Theo báo cáo của các trường với Bộ GD-ĐT thì đến nay có 302 trường ĐH (tỉ lệ 96,5%) thành lập ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010 - 2012; 245 trường (tỉ lệ 78,8%) xây dựng cam kết chất lượng đào tạo, 183 trường (58,8%) xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo. Câu hỏi đặt ra là nếu Bộ GD-ĐT không kiểm tra, không kiểm định chất lượng mà chỉ nghe báo cáo thì việc sinh viên chạy ngược chạy xuôi kiếm cho được chứng chỉ ngoại ngữ về nộp cho trường để bổ sung vào hồ sơ xét tốt nghiệp có phải là chuẩn đầu ra hay không?
Câu chuyện sinh viên nháo nhào “săn” chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra hiện nay đang cho chúng ta thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng giáo dục ĐH.
Bình luận (0)