Hầu hết các trường tại những quận trung tâm của TP HCM đã hoàn thành công tác tuyển sinh, lên danh sách học sinh (HS) theo từng lớp. Đối với các quận, huyện ngoại thành cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở vật chất, xử lý hồ sơ những HS mới chuyển đến, bổ sung danh sách đến hết tháng 8.
Phụ huynh "chạy đua" tìm trường
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị năm học 2020-2021, số HS tăng nhiều, tập trung tại các quận - huyện như: 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, do đang trong giai đoạn đô thị nhanh, dân số tăng cơ học mạnh.
Một số trường ở các quận, huyện có 40-50 HS/lớp, phần nào gây hạn chế trong công tác quản lý, chất lượng giảng dạy.
Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo trong ngày hội vào lớp 1 năm học 2019-2020 .Ảnh: TẤN THẠNH
Bên cạnh đó, trong kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào lớp đầu cấp năm học 2019-2020 của UBND TP HCM, đối với việc tuyển sinh vào lớp 1, chủ trương của TP là huy động 100% trẻ 6 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận - huyện vào học lớp 1 theo tuyến do ban tuyển sinh quận - huyện quy định. Tuyệt đối không nhận HS trái tuyến và HS sớm tuổi. TP cũng lưu ý các đơn vị phải đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh cho HS ngay từ lớp 1. Công tác tuyển sinh lớp 1 bắt đầu từ ngày 1-7 và công bố đồng loạt vào ngày 31-7.
Phụ huynh N.G.N (quận Gò Vấp) có con năm nay vào lớp 1 cho biết anh đã nộp hồ sơ cho con từ tháng 7 nhưng theo thông tin từ phường, số lượng HS năm nay đông nên con anh vẫn chưa được sắp xếp vào trường nào. Là dân nhập cư, anh mới được người họ hàng hỗ trợ làm tạm trú KT3 để con được đi học lớp 1, đúng tuyến nhưng với tình trạng này thì như "ngồi trên lửa".
"Phường đã hẹn tôi lên hai lần từ lúc nộp hồ sơ nhưng vẫn chưa có trường để con tôi theo học, họ hẹn ngày 20-8 lên lại để giải quyết. Có thể con tôi sẽ không học được trường bán trú nhưng tôi vẫn chấp nhận, miễn được đi học. Tôi cũng lo lắng khi thời điểm này các trường hầu như đã có danh sách nhập học rồi, con tôi vẫn chưa biết vào trường nào để chuẩn bị sách giáo khoa cho kịp bắt đầu năm học mới" - anh N. bày tỏ.
Trước khi con chính thức được nhận học tại một trường tiểu học "điểm" ở quận 3, chị H. (ngụ quận Bình Thạnh) cũng hoang mang, chạy khắp nơi để xin chuyển con học trái tuyến với lý do gần nơi làm việc. Chị dành nhiều tháng trời để tìm hiểu một số trường trên địa bàn quận. Tại trường con theo học tổ chức bán trú nên chị cũng không lo lắng việc đón vào buổi trưa. "Cho con học trái tuyến là "bất khả kháng" vì không có thời gian đưa đón" - chị H. chia sẻ.
Trường giải quyết phát sinh
Một cán bộ Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp) cho biết đến thời điểm này, trường đã nhận hơn 300 HS và còn đợt tiếp theo từ phường đưa về, dự kiến đến cuối tháng sẽ tuyển sinh xong. Nhưng do cơ sở vật chất có hạn, trường sẽ thảo luận với phường để cân nhắc nhận số HS vừa đủ để thực hiện tốt chương trình giảng dạy. Đến nay, trường cơ bản đã chuẩn bị đủ lượng sách giáo khoa cung cấp cho phụ huynh và đang tiến hành nhận hồ sơ các HS lớp 1 theo danh sách tuyển sinh đã công bố.
Tại quận Gò Vấp, năm học 2020-2021 dự kiến có 7.727 trẻ vào lớp 1. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thông tin hầu hết các trường trên địa bàn quận đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Nhưng có một số trường hợp phát sinh như mới nhập hộ khẩu, mới làm tạm trú, quận khác chuyển qua thì đến ngày 24-8, các trường hợp này sẽ được giải quyết xong; ưu tiên đáp ứng chỗ học cho HS.
Theo ông Thủy, để thực hiện những điều kiện trong chương trình phổ thông 2018, tại quận cũng gặp nhiều khó khăn. Các trường học 2 buổi/ngày chỉ đáp ứng khoảng 60%; sĩ số lớp học còn đông, có lớp 46 HS trở lên. Quận cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp, còn một số dự án chưa thực hiện được do vướng bồi thường ở các phường 9 và 12.
Tại quận 3, các trường tiểu học đã đồng loạt công bố danh sách lớp vào ngày 31-7. Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết các trường tiểu học tại quận đều thực hiện được 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học, cơ sở hạ tầng bảo đảm, không khó khăn như các quận - huyện ngoại thành. Giáo viên đã sẵn sàng để dạy chương trình mới nhưng vẫn đợi hướng dẫn từ Sở GD-ĐT. Ông Khoa nhận định việc áp dụng phương án học trực tuyến cho HS tiểu học là rất khó.
Lớp 1 khó học trực tuyến
Hiệu trưởng một trường tiểu học khẳng định nếu tiến hành dạy trực tuyến cho HS tiểu học thì giáo viên phải chuẩn bị kỹ, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Riêng lớp 1, việc dạy trực tuyến hầu như là không thể vì các em còn quá nhỏ để ngồi yên trước màn hình máy tính. Muốn dạy trực tuyến được cho HS lớp 1, giáo viên phải chuẩn bị giáo án trước 1 năm.
Bình luận (0)