Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có hai tiêu chí để xác định chỉ tiêu là giảng viên quy đổi và diện tích sàn của trường. Đối với các trường ĐH công lập, giảng viên cơ hữu được quy đổi là những giảng viên trong biên chế và ký hợp đồng với trường từ một năm trở lên. Đối với các trường ngoài công lập, giảng viên phải có hợp đồng lao động dài hạn, làm toàn phần tại trường.
Đối với các trường ĐH, giảng viên có trình độ thạc sĩ được lấy làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trong năm (hệ số 1). Giảng viên có trình độ khác, được quy đổi về giảng viên có trình độ thạc sĩ. Hệ số cụ thể của trình độ ĐH: 0,8; trình độ tiến sĩ: 1,5; PGS: 2; GS: 3.
Đối với các trường CĐ, TCCN, giảng viên có trình độ ĐH được tính cơ sở xác định chỉ tiêu (hệ số 1). Giảng viên là thạc sĩ hệ số 1,3; tiến sĩ hệ số 1,5; PGS hệ số 2 và GS hệ số 3. Dự kiến, đối với nhóm trường khối y - dược ở hệ ĐH, chỉ tiêu được xác định là 15 sinh viên (SV)/giảng viên; khối trường nghệ thuật, thể dục thể thao là 10 SV/giảng viên và các trường khác là 25 SV/giảng viên. Ở hệ CĐ, tỉ lệ tương ứng ở khối y - dược là 20 SV/giảng viên; khối trường nghệ thuật, thể thao là 15 SV/giảng viên và các trường khác là 25 SV/giảng viên. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của các trường ĐH, CĐ bình quân 2,5 m2/SV; đối với các trường TCCN không thấp hơn 2 m2/học sinh.
Dự kiến tổng chỉ tiêu vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng 2 đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học năm 2012 được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo đã xác định, năm 2013 không quá 40% và từ năm 2014 trở đi không quá 30%. Chỉ tiêu tuyển mới đào tạo từ xa được xác định không quá 2,5 lần số SV tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa trong năm của cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo từ xa khóa đầu tiên, chỉ tiêu mỗi ngành được phép đào tạo không quá 500 chỉ tiêu.
Theo một chuyên gia tuyển sinh, nếu áp dụng bộ quy định về xác định tiêu chí tuyển sinh này ngay trong mùa tuyển sinh tới, có thể chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sẽ giảm đi. Sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi, sẽ khiến các trường phải giảm bớt chỉ tiêu để phù hợp với quy định. Chỉ tiêu vừa phải, chất lượng đầu vào được nâng lên cũng đem đến hy vọng chất lượng giáo dục ĐH sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào việc Bộ GD-ĐT có quyết tâm thực hiện nghiêm quy định này không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo quy định mới, các trường có vi phạm, gian lận trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm bằng cách bị dừng tuyển sinh. Dự kiến mỗi năm gian lận, các trường sẽ bị dừng tuyển sinh một năm. Đối với những trường tuyển sinh vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu Bộ GD-ĐT đã thông báo, ngoài bị xử phạt theo các quy định hiện hành còn bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau, số bị trừ bằng tổng số tuyển vượt của năm trước. Riêng đối với những trường không gửi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm sau về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-10 hằng năm, bộ dự kiến sẽ không thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho năm sau. Để bảo đảm quy định này được thực hiện nghiêm, hằng năm bộ sẽ kiểm tra, thanh tra thực tế việc xác định chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Các trường phải tự chịu trách nhiệm Để các trường tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Điều này vừa bảo đảm công khai, minh bạch trong xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm nên sẽ vừa giúp xã hội, người học cùng giám sát khả năng bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường, qua đó thúc đẩy các trường đầu tư phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định giao quyền đồng nghĩa với việc các trường phải tự chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT phải hoàn chỉnh dự thảo quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-10. Đây là nội dung trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. (Y.A) |
Bình luận (0)