Hôm nay, 28-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2017. Bộ GD-ĐT cho biết phương án thi sẽ không thay đổi đáng kể so với bản dự thảo đã được công bố.
Toán nên vừa trắc nghiệm vừa tự luận
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 sẽ có 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn (bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội). Các bài toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng.
Cho đến tận sát thời điểm Bộ GD-ĐT “chốt” phương án thi, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc thi trắc nghiệm môn toán. Trong khi Hội Toán học Việt Nam kiến nghị giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn toán và đề nghị có cuộc đối thoại giữa hội và các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách về vấn đề này thì GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng kinh nghiệm thế giới cho thấy hình thức thi trắc nghiệm toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh ĐH nhưng chưa hiệu quả khi cần đánh giá năng lực vượt trội, đỉnh cao như thi học sinh giỏi.
Trong trường hợp cần đánh giá năng lực toán vượt trội, bài thi trắc nghiệm chỉ để sàng lọc sơ bộ, sau đó vẫn cần một bài thi theo hình thức tự luận hoặc vấn đáp để xác định người thắng cuộc. GS Thi cũng nói thêm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kể cả là tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản vẫn là thi để kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh. Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy toán làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình.
Phản biện quan điểm cho rằng nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thi trắc nghiệm từ lâu, PGS Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định mỗi nền giáo dục có những đặc điểm riêng của nó. “Nếu thật sự cho một nền giáo dục nào đó là ưu việt, đáng học tập thì hãy học tập, tìm hiểu cách dạy và học cùng với cách thi của họ trước khi áp dụng máy móc riêng cách thi của một số kỳ thi” - PGS Dương nhấn mạnh. Bà cũng bày tỏ quan điểm không phản đối một đề thi có phần trắc nghiệm (để phục vụ cho những khi cần suy nghĩ nhanh) và có phần tự luận (để phục vụ cho những khi cần suy nghĩ sâu). Một đề thi có cả 2 phần như vậy có thể chấp nhận được.
Ngân hàng câu hỏi phải đa dạng
Trong trường hợp bộ vẫn quyết giữ phương án thi trắc nghiệm môn toán, các chuyên gia cũng có những ý kiến góp ý để phương án này thực thi hiệu quả.
GS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, đặt vấn đề nếu thi trắc nghiệm toán thì phải làm thế nào để sớm có được bộ ngân hàng đề thi chất lượng. Theo GS này, Bộ GD-ĐT nhất thiết phải đưa ra lộ trình cụ thể. “Để kỳ thi quốc gia đạt kết quả như mong muốn thì cần phải chuẩn bị tốt ngân hàng câu hỏi thi, đồng thời phương án ra đề thi cho từng môn phải đạt chuẩn. Do đặc điểm của thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi thi/môn phải đủ lớn và đa dạng để bảo đảm tính khách quan và đủ để phân hóa trình độ học sinh. Cấu trúc đề thi cho mỗi môn sao cho hợp lý là rất quan trọng. Ngoài ra cần phải bảo đảm sự công bằng giữa các môn thi, bài thi về mức độ khó - dễ và thời gian làm bài” - GS Soa cho biết.
“Để thực sự có một ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm môn toán tốt, ngoài tập trung đội ngũ chuyên gia làm đề chuyên nghiệp, cần phải tổ chức thi mẫu trước (thi thử) trên phạm vi nhỏ để rút kinh nghiệm càng sớm càng tốt. Về lâu dài cần điều chỉnh và bổ sung ngân hàng đề thi hằng năm trên cơ sở phản hồi xã hội từ kết quả thi năm trước. Về mặt khoa học, căn cứ vào phổ điểm phân bố ngẫu nhiên (phân bố Gausse), cho phép các chuyên gia điều chỉnh đề thi theo xu hướng dễ, khó mà ta mong muốn” - GS Soa kiến nghị.
Cũng chung quan điểm, GS Đào Trọng Thi khẳng định khi xây dựng ngân hàng đề thi, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc xác định độ khó phù hợp với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt.
Trừ điểm câu sai, tránh may rủi
Theo quan điểm của GS Đặng Văn Soa, để tăng tính khách quan, có thể tăng phương án trả lời cho từng câu hỏi trong khi chỉ giữ một phương án trả lời đúng. Điểm liệt cũng phải tăng lên hoặc có thể trừ điểm cho câu trả lời sai để tránh hiện tượng cầu may khi làm bài. Thang điểm cho mỗi môn nên dùng thang điểm lớn hơn hệ điểm 10 (chẳng hạn 50 hoặc 100).
Bình luận (0)