Những đứa trẻ trong lớp, mỗi em một loại khuyết tật, có em bị Down, có em tự kỷ, có em lại là khuyết tật về trí tuệ, thính giác hay vận động… nên việc lên lớp với cô không hề dễ dàng.
Dạy trẻ khuyết tật, không chỉ dạy chữ, toán, tiếng Việt mà còn có những môn rất đặc thù như học kỹ năng tự lập. Môn học này bao gồm những kỹ năng tối thiểu từ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt, tất cả những kỹ năng đơn giản nhất cho trẻ bên cạnh lồng ghép một phần giáo dục kỹ năng sống để các em hòa nhập với xã hội, có thể tự phục vụ bản thân, từ những việc đơn giản như biết đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt.
Học sinh bình thường có thể 5-6 tuổi đã cầm bút rất tốt nhưng với trẻ khuyết tật, có những em dù đã 15-16 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như trẻ lên 2. Phải mất tới 6 năm, những học sinh khuyết tật mới có thể biết đọc, biết viết như học sinh lớp 2. Chứng kiến cảnh học sinh bị kích động, la hét rồi khóc to trong giờ học khiến cô giáo vội vàng chạy đến kiểm tra, rồi vỗ về, ôm ấp, thậm chí có những bài tập massage đầu, chân tay cho trẻ giải tỏa ức chế, mới khâm phục sự kiên nhẫn của cô Thảo và các đồng nghiệp. Với 20 trẻ của lớp C1, cô Thảo phải xây dựng 20 cách dạy khác nhau.
Cô Đặng Bích Thảo trong giờ lên lớp. Ảnh: HÀ ĐẶNG
"Tôi được phân công tiếp quản lớp giáo dục đặc biệt của Trường Tiểu học Bình Minh. Phải thú thật là dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng khi gặp các em, tôi vẫn sốc. Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là trẻ đặc biệt" - cô Thảo nhớ lại. Sau những buổi dạy đầu tiên đó, cô Thảo rơi vào tâm trạng rối bời, không biết lựa chọn của mình có chuẩn? Nhưng sau đó không lâu, cô biết mình đã chọn đúng. Vì cô giáo trẻ cảm nhận được tình thương vô bờ đối với những đứa trẻ.
Hơn 20 năm trôi qua kể từ những ngày đầu lên lớp, lớp học đầu tiên chỉ có 8 em, giờ khối học sinh khuyết tật của Trường Tiểu học Bình Minh có gần 200 học sinh, chia thành 9 lớp (lúc cao điểm là 300 em). Cô Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, tâm sự: Để gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt, trên hết, cần phải có tình yêu. Nhiều cô giáo yêu nghề nhưng nghĩ đến dạy trẻ khuyết tật là ngại. Tâm lý đối với những đứa trẻ ấy còn rất nặng nề.
Để bù đắp những thiệt thòi của trẻ khuyết tật và hiểu các em hơn, cô Thảo dành nhiều thời gian, tâm sức học ngôn ngữ của các em. Cô cũng xây dựng chương trình riêng, lựa chọn nội dung của chương trình học tiểu học để giảm tải, sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.
Hỏi cô Đặng Bích Thảo "những khi quá vất vả, có bao giờ cô hối tiếc về lựa chọn của mình?", cô trả lời dứt khoát rằng "không!". "Mỗi người một quan niệm, một cách sống. Với tôi, cho đi là để nhận về. Bao nhiêu yêu thương nhận về từ những đứa trẻ là quá đủ cho một đời đi dạy" - cô Thảo chia sẻ.
Bình luận (0)