Cầm trên tay phiếu báo nộp tiền đầu năm học của con, bà Trần Thị Hường (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), mẹ của em T. (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đăng Lưu), hoa cả mắt bởi số tiền lên tới 704.000 đồng và 200.000 đồng tiền quỹ lớp.
Trong đó, có những khoản thu vô lý như hoạt động hướng nghiệp, dã ngoại: 20.000 đồng; tiền ngoài giờ lên lớp, văn thể mỹ: 30.000 đồng; vệ sinh trường lớp, bảo vệ, môi trường: 45.000 đồng; hoạt động công nghệ thông tin: 80.000 đồng...
Bà Hường than vãn: “Nhà tôi làm nghề biển, có 2 con đi học nên phải vay mượn nhiều nơi rồi mà vẫn chưa đủ tiền cho con đi nộp”.
Học trái tuyến: 700.000 đồng!
Trường Tiểu học Phú Thượng 1, huyện Phú Vang tạm thu 870.000 đồng/học sinh bán trú. Lý do đây là các khoản tự nguyện ủng hộ hội phụ huynh học sinh, hội khuyến học, hỗ trợ dạy học, tiền bán trú và các khoản tự phục vụ học sinh. Trong đó, có các khoản thu để trả cho giáo viên hợp đồng dạy thể dục; chi cho các phong trào, hội thi và tặng quà trung thu; trả lương cho lao công, bảo vệ...
Trường Tiểu học Vĩ Dạ (TP Huế) buộc học sinh nộp 474.000 đồng (riêng khối lớp 3, 4 và 5 nộp thêm 54.000 đồng/năm tiền học tin học). Trong đó, có các khoản thu như tiền vệ sinh: 40.000 đồng; quỹ khuyến học, khuyến tài: 20.000 đồng...
Trường Tiểu học Xuân Phú thì thu tiền quỹ hội phụ huynh học sinh – quỹ Đội đến 260.000 đồng/học sinh/năm; tiền học sinh học trái tuyến 700.000 đồng/học sinh/năm...
Phụ huynh nôn nóng?
Giải thích về các khoản thu, ông Lê Ngọc Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng 1, cho biết do năm nay giá cả tăng nên tiền ăn tăng; quỹ hội phụ huynh, quỹ khuyến học của trường, của xã cũng đều tăng so với trước. Mặt khác, trường có 2 cơ sở nhưng Nhà nước chỉ cho một bảo vệ nên phải thu tiền học sinh để trả lương cho bảo vệ thứ hai.
Các khoản thu của Trường Tiểu học Xuân Phú (Thừa Thiên - Huế) và Trường THPT Phan Đăng Lưu
Ông Hùng cũng nói rõ do học sinh học bán trú nên trường phải thu tiền trước để có kinh phí hoạt động. “Kết thúc năm học 2009-2010, Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh về kiểm tra, đánh giá chúng tôi huy động so với các trường khác là ít hơn. Vì vậy, mới đây, xã cho chúng tôi tăng khoản thu hội phí thêm 10.000 đồng/em”- ông Hùng nói.
Còn ông Phan Thiên Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, khẳng định các khoản thu nhiều là do trường có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nên cần có quỹ bồi dưỡng cho học sinh và giáo viên. Đặc biệt trong năm học này, trường kỷ niệm 50 năm thành lập nên hội phụ huynh thu hội phí cao hơn.
Ông Bảo cũng cho biết do phụ huynh học sinh nôn nóng nộp trước chứ trường chưa bắt buộc.
Chưa nộp tiền: Đình chỉ học
25 học sinh khối 11 và 5 học sinh khối 12 của Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Huế) đã bị đình chỉ học vì chưa nộp học phí tháng 8, 9 và các khoản thu đầu năm. Ông Trương Đình Tải, hiệu trưởng nhà trường, giải thích trường bắt đầu học từ ngày 9-8 và đã có thông báo đến ngày 23-8, tất cả học sinh phải nộp các khoản đầu năm. Đến ngày 28-8, trường đã thông báo đình chỉ việc học nhưng các em này vẫn chưa đóng các khoản thu.
“Đến hết ngày 11-9, nếu những em này vẫn không nộp tiền thì nhà trường sẽ đuổi học”- ông Tải kiên quyết.
Khó xử lý?
Ông Lê Thư, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết nhiều trường lợi dụng quy định của Nhà nước cho phép huy động một số khoản thu từ phụ huynh để chi trả một số khoản thu.
Theo quy định, việc huy động này phải được sự đồng ý của từng phụ huynh, nhiều trường đã đưa ra các khoản thu vô lý nhưng hầu hết phụ huynh không dám phản đối.
Các khoản như phí bảo vệ trường, hỗ trợ học tập, chi trả tiền lương cho giáo viên bộ môn, tiền học sinh học trái tuyến... không nằm trong danh mục Nhà nước quy định. Sở sẽ kiểm tra ở một số trường.
Cũng theo ông Thư, tỉnh chưa quy định mức trần các khoản thu tự nguyện; mặt khác, các trường viện lý do phụ huynh đồng ý nên rất khó xử lý các khoản thu ngoài quy định. Sở chỉ kiểm tra và xử lý được về trình tự thủ tục, có sự đồng thuận của từng phụ huynh hay không chứ không thể xử lý về mức thu. |
Bình luận (0)