Ngày 12-9, thảo luận tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ ra nhiều bất cập của công tác giáo dục thời gian qua, trong đó bà băn khoăn về việc liên tục thí điểm, thực nghiệm nhưng kết quả không như mong muốn.
Chủ tịch QH cho rằng trẻ em học sinh bây giờ học rất khổ sở và dẫn chứng việc bây giờ học sinh không còn nghỉ hè, khác với trước đây được nghỉ hè 3 tháng trọn vẹn. "Bây giờ không có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi. Cải cách đổi mới toàn diện nhưng phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, học sinh khổ lắm"- Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chương trình học hiện nay quá nặng nề trong khi cách truyền đạt kiến thức lại quá cao siêu, hàn lâm
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn chứng về một người bạn của bà làm việc trong ngành giáo dục nói rằng chương trình học hiện nay nặng nề, làm cho học sinh khó tiếp thu kiến thức mà đặt ra nhiều nội dung quá cao siêu, quá hàn lâm. "Thực nghiệm đổi mới hiện nay nhiều quá mà không biết kinh nghiệm ở đâu, làm khổ học sinh"- bà Ngân băn khoăn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng khẳng định không thể có sách giáo khoa tự chọn được, không thể trường này tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác. "Tỉnh nào có sách của tỉnh đó thì nền giáo dục như vậy không được" - bà Ngân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng không thể có kiểu làm sách giáo khoa mà mỗi trường một kiểu sách, một kiểu học. Như thế, theo ông Tỵ, có khả năng làm phát sinh tiêu cực lớn mà chương trình giáo dục sẽ không tổng thể, không toàn diện. Ông Tỵ quả quyết rằng nhất thiết phải thống nhất một loại sách giáo khoa.
Ông Đỗ Bá Tỵ cũng chỉ ra giáo dục hiện đang gây áp lực quá lớn cho trẻ nhỏ, cho gia đình. Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, những môn học mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình.
"Tôi gặp nhiều học sinh nước ngoài, các cháu tự tin nói các cháu học ít nhưng hiểu biết nhiều, không như học sinh ở Việt Nam. Giáo dục của chúng ta đang mang tính chất nhồi nhét kiến thức, nhìn bọn trẻ học mà thương, tí tuổi đầu đã cận thị hết cả, không giảm tải thì rất gay mà tôi thấy là việc đó hoàn toàn có thể làm được" - Phó Chủ tịch QH nói.
Bình luận (0)