“Cần phải chuyển cả một nền giáo dục mà chương trình, sách giáo khoa luôn quá tải vì chạy theo những kiến thức cụ thể sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng để phát triển năng lực người học và dạy làm người” - tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quan điểm trên cương vị mới.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, đòi hỏi cuộc sống cũng như xu thế hội nhập, nhu cầu của con người hiện nay là được học hành tử tế, được sống vui vẻ trong xã hội yên bình. Đó cũng là điều ông chú trọng trên cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bởi bản chất của giáo dục là con người; những thứ khác như chương trình, sách giáo khoa chỉ là công cụ chứ không phải là mục tiêu, mục đích.
Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh mục tiêu giáo dục của mình là đào tạo những con người thực sự nhân văn. Điều này cũng đúng với triết lý giáo dục của UNESCO: Học để sống với nhau, học để làm việc, học để biết, học để làm người.
Trên cương vị tư lệnh của ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết việc đầu tiên mà tân bộ trưởng phải bắt tay làm ngay là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Theo tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá sẽ phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ theo hướng hội nhập quốc tế nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. “Giáo dục phổ thông phải đi vào kỷ cương, nền nếp; giáo dục ĐH phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng” - ông nêu rõ.
Nhấn mạnh yếu tố con người trong giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người. Do vậy, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này. Dù khó khăn, các thầy cô ở tất cả các cấp học sẽ đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp này. Giáo viên cần phải có vị trí xứng đáng với vai trò đó.
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định quan điểm của mình rằng giáo dục không phải là một trận đánh lớn. “Giáo dục là con người. Đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm. Nhiệm vụ của tôi là tạo được niềm tin trong nhân dân, trong xã hội. Chỉ khi nào xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi, còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại. Con người đâu phải chiến dịch nên tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua” - ông Phùng Xuân Nhạ thổ lộ.
Bình luận (0)