Do Covid-19, châu Âu đang thực hiện lệnh cấm đi lại, lệnh giãn cách, thay đổi phương thức giáo dục, ảnh hưởng đến du học sinh đang học tại đây và những sinh viên có ý định đi du học.
Lựa chọn nơi ở, việc làm thêm
Theo thống kê của Phái đoàn EU tại Việt Nam, có hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại châu Âu. Trong giai đoạn 2014-2020, đã có 191 sinh viên Việt Nam nhận học bổng thạc sĩ toàn phần tại châu Âu. Ngoài ra, hàng ngàn sinh viên khác đang theo học các khóa trao đổi tín chỉ (3-12 tháng) dưới chương trình trao đổi quốc tế; hoặc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thông qua 51 dự án hợp tác đang diễn ra giữa các trường ĐH châu Âu và Việt Nam.
Ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Ý tại TP HCM, cho biết một giá trị khi đi du học châu Âu là tính lưu động, du học sinh có thể học một trường ở một nước sau đó học tiếp ở trường khác tại nước khác một cách dễ dàng - khá thuận lợi cho du học sinh.
Chị Huyền Anh, thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Pháp, chia sẻ du học sinh nên chuẩn bị tốt hồ sơ, ngành học, ngoại ngữ để không gặp khó khăn khi đi du học. Ngay khi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, Huyền Anh đã nhận học bổng toàn phần tại Pháp, chị đã được chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành quản trị kinh tế và tài chính. Nhưng học được một học kỳ tại Pháp, chị nhận thấy không phù hợp và chuyển sang ngành quản trị kinh doanh. Việc này làm chị mất một khoảng thời gian để đăng ký lại ngành học.
Tiếp đó, du học sinh cần lựa chọn nơi ở, việc làm thêm phù hợp với đất nước mình theo học. Chị Huyền Anh khuyên du học sinh nên tìm chỗ ở trên các kênh chính thống, có thể tin tưởng. Mỗi nước sẽ có tổ chức để chăm lo cho đời sống sinh viên, khi đăng ký tổ chức này sẽ cung cấp danh sách ký túc xá hoặc nhà ở cho sinh viên với mức giá hợp lý.
"Khi đến Pháp, tôi tìm trên internet việc phụ giúp công việc nhà để có chỗ ở, hướng đi này giúp tôi tiết kiệm tiền thuê nhà. Nhưng khi đến nhận việc, tôi phải ở trên phòng áp mái một ngôi nhà cũ kỹ, và trông trẻ từ 16 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Việc đó làm tôi không còn thời gian để làm bài tập và đi học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập. Tôi quyết định nghỉ, vì biết rằng qua đây để học chứ không phải đi làm" - chị Huyền Anh kể.
Chị Huyền Anh cho hay du học sinh không nên tập trung vào làm thêm kiếm tiền, bỏ bê việc học, bởi mục đích chính của việc đi du học vẫn là học hỏi, tìm kiếm kiến thức mới. Nếu du học sinh muốn kiếm thêm thu nhập, nên tìm những công việc làm thêm trên website uy tín, chuyên tìm việc cho học sinh, sinh viên hoặc tham gia hội nhóm du học sinh Việt Nam.
Chị Phan Minh Phương, thạc sĩ ngành sức khỏe tại Pháp và Tây Ban Nha, cho rằng du học sinh nên lựa chọn nơi ở vừa túi tiền, thời gian đầu nên ở chung với bạn bè, chỗ ở phải thuận tiện cho việc đi lại để không mất thời gian cho việc tìm đường đến trường.
Nhân viên tư vấn du học giới thiệu chương trình học bổng châu Âu cho học sinh, sinh viên có dự định du học trong năm đến
Chuẩn bị tốt tâm lý
Theo anh Nguyễn Huy Viên, tiến sĩ ngành ngôn ngữ tại Bỉ, du học sinh không cần mang quá nhiều vật dụng khi đi du học. Du học sinh có ba nỗi lo chính khi xa nhà, thoát khỏi vùng an toàn, đó là ăn ở, việc học và sinh hoạt. Du học sinh thường lo lắng các món ăn ở châu Âu sẽ không hợp khẩu vị, đồ dùng bán với giá cao, nhiều du học sinh mang cả nồi cơm điện, mì gói theo. Du học sinh không nên lo lắng quá, ở các nước châu Âu vẫn có nhà hàng, quán ăn mang hương vị châu Á. Du học sinh có thể mua vật dụng cần thiết trên các hội nhóm với giá rẻ. Hành trang cần thiết nhất du học sinh cần mang theo là chuẩn bị thật tốt tâm lý, ngôn ngữ.
Anh Lê Huy Nam Hiếu - thạc sĩ ngành quản trị công nghiệp tại Tây Ban Nha, Ý, Pháp - cũng cho rằng du học sinh nên chuẩn bị tốt tâm lý để tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa, cách học tập và làm việc. Ở châu Âu, mặc dù làm việc chung với nhau nhưng văn hóa mỗi nước vẫn được giữ bảo tồn, khác biệt, một lớp học có 40 học sinh từ hơn 20 nước khác nhau, sự giao thoa văn hóa ở đây cực kỳ lớn. Nếu du học sinh không chuẩn bị tốt tâm lý, cởi mở để tiếp nhận nó thì rất ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Cùng quan điểm, chị Phan Minh Phương cho hay vấn đề nghe hiểu, cách biểu đạt khác nhau khiến du học sinh gặp khó khăn trong việc nắm bắt bài giảng. Có những môn học chị Phương chỉ hiểu được 10%, phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè trong lớp. Vì vậy, du học sinh nên cởi mở, tham gia tích cực những hội nhóm, các hoạt động của lớp, của trường.
Ở lại hay quay về?
Chị Huyền Anh cho rằng chuyện du học sinh ở lại hay quay về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học cũng chỉ là sự phù hợp, không nên chỉ trích hay bắt buộc du học thì phải về nước. Tùy theo ngành học của mỗi người, xem xét cơ hội nghề nghiệp ở đâu là tốt nhất để lựa chọn phát huy thế mạnh của mình.
Bình luận (0)