Chuẩn đầu ra của các trường ĐH hiện nay tập trung vào các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí, khả năng công tác và khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cơ quan và doanh nghiệp, sinh viên khi tiếp nhận công việc vẫn khó đạt các kỹ năng như chất lượng đầu ra mà các trường công bố.
Thiếu chuyên môn lẫn kỹ năng
Thạc sĩ Lương Thị Hoài Phương, đại diện Ngân hàng Á Châu, cho biết nguyên nhân quan trọng khiến 50% sinh viên ra trường không có việc làm trong lĩnh vực chuyên môn là do chất lượng đào tạo của các trường chưa bảo đảm như cam kết chuẩn đầu ra. Bà Phương nêu ví dụ chuẩn đầu ra của các trường đào tạo ngành luật đều ghi rõ sinh viên tốt nghiệp sẽ nắm vững kiến thức cơ bản về lĩnh vực luật kinh tế, đủ năng lực vận dụng lý thuyết vào các lĩnh vực chuyên môn, vận dụng các kiến thức chuyên ngành vào kỹ năng thực hành để giải quyết các vụ án, vụ việc… nhưng thực tế số sinh viên đáp ứng được như vậy là rất ít.
“Điều này thể hiện khoảng cách rất lớn giữa nguồn cung và nguồn sử dụng lao động. Khoảng cách xuất hiện cả trong nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm. Thực tế, một tỉ lệ rất lớn sinh viên tốt nghiệp chưa tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và hầu như không thể vượt qua được thử thách khi thi tuyển”- ông Phan Thanh Bình, Giám đốc chiến lược Nhân Việt Management Group, nhận xét.
Cần đánh giá hợp lý
Nhiều chuyên gia về giáo dục ĐH lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do hầu hết các trường xây dựng chuẩn đầu ra theo kiểu lý thuyết, không chú trọng đến quá trình thực hiện dẫn đến xa rời thực tế.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng các trường xây dựng chuẩn đầu ra nhằm giúp người học đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp khi tốt nghiệp nhưng đối với các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm… thì trong thiết kế chương trình đào tạo của các trường chưa thể hiện rõ. Ngoài ra, khi sinh viên tốt nghiệp, các trường cũng chưa đánh giá đầy đủ về việc sinh viên có đạt yêu cầu kỹ năng hay không.
Quá chênh lệch Giảng viên Nguyễn Quốc Huy, Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trong một khảo sát do ông và cộng sự thực hiện vào tháng 6-2011 đối với 320 doanh nghiệp ngẫu nhiên trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM cho thấy rất rõ kết quả chênh lệch giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng và sinh viên tốt nghiệp mới được tuyển dụng vào làm việc.
Cụ thể: Yêu cầu về kiến thức chuyên môn sinh viên chỉ đáp ứng được 2,63/4,31 điểm của nhà tuyển dụng; tỉ lệ này ở kinh nghiệm làm việc: 2,38/4,09 điểm; kỹ năng cứng: 2,50/4,16 điểm; kỹ năng mềm: 2,75/4,03 điểm… |
Bình luận (0)