Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 đến 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu. Đây được xem là căn cứ pháp lý để quản lý việc dạy và học tiếng Anh trong trường mầm non vốn lâu nay bị xem là thả nổi.
Bắt đầu từ 3 tuổi
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), mục tiêu của chương trình là giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ làm phong phú thêm kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác. Cụ thể, trẻ 3-4 tuổi thì yêu cầu cần đạt là trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh; thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác. Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi. Trẻ từ 4-5 tuổi, sẽ đạt các yêu cầu như thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác. Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi. Nghe và nhắc lại được từ chỉ số từ 1 đến 5, một số từ, cụm từ đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi… Trẻ từ 5-6 tuổi sẽ đạt các yêu cầu, như: Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Nghe và thực hiện được 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Nghe và trả lời được bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-3 từ, một số mẫu câu rất đơn giản trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc và khi được hỏi về khả năng và sở thích…
Mục tiêu dạy tiếng Anh bậc mầm non cần gắn với hoạt động vui chơi
Cùng với các mục tiêu này, hình thức và thời điểm đánh giá cũng được quy định cụ thể, đó là đánh giá thường xuyên và đánh giá theo giai đoạn. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua quan sát trẻ trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh và các tình huống giao tiếp, các biểu hiện tiến bộ của trẻ về các kỹ năng nghe và nói. Đánh giá theo giai đoạn được thực hiện vào cuối tháng/chủ đề và cuối năm học trên cơ sở tổng hợp thông tin từ các kết quả đánh giá thường xuyên. Hoạt động đánh giá được thực hiện nhẹ nhàng, thân thiện; khích lệ sự tiến bộ của từng trẻ.
Theo bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, 3 tuổi là quá sớm khi cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh. Đây là giai đoạn trẻ cần tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ thật nhiều. Lứa tuổi phù hợp để cho làm quen tiếng Anh là 4 tuổi.
Quá nhiều mục tiêu
Hiệu trưởng nhiều trường mầm non tại TP HCM cho rằng thông tư cần làm rõ chương trình hướng đến là ngoại khóa hay chính khóa. Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1 cho biết nếu dạy chính khóa đòi hỏi phải có biên chế giáo viên tiếng Anh tại các trường mầm non, trong khi nếu là hoạt động ngoại khóa cần có thêm hướng dẫn các trường hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ. Trong khi đó, hiện nay chưa thể có giáo viên mầm non đáp ứng đủ điều kiện năng lực giảng dạy tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT là trình độ B2, bậc 4 trong khung năng lực tiếng Anh quốc gia.
Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng dự thảo chương trình khá tham vọng khi đặt quá nhiều mục tiêu, trong đó nhiều mục tiêu không sát với thực tế. Đó là chưa kể chương trình làm cho trẻ quá tải bởi lượng từ, lượng mẫu câu nhất định trẻ phải đạt được trong từng độ tuổi, triệt tiêu cả sự sáng tạo của quá trình dạy và học khi nhất cử nhất động các thầy cô tiếng Anh mẫu giáo sẽ bám SGK, bỏ qua cả kho tàng ngữ liệu phong phú, miễn phí trên internet.
Bà Thụy Anh phân tích mục tiêu tổng quát của chương trình không phù hợp với hoạt động chủ đạo của trẻ đó là vui chơi. Tất cả các hoạt động giáo dục kể cả hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh nên bắt đầu từ việc tạo hứng thú và nuôi dưỡng hứng thú cho trẻ. Do đó, khi dự thảo đặt mục tiêu: hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh cho trẻ, chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học đã kéo trẻ ra khỏi hoạt động chủ đạo của chính trẻ và bắt đầu cho trẻ làm quen với khái niệm "học" quá sớm. Điều này sẽ gây quá tải và không tạo hứng thú cũng như nuôi dưỡng hứng thú cho trẻ khi tiếp xúc với môn tiếng Anh.
Mạnh ai nấy dạy
Vì không có một khung pháp lý cụ thể, rõ ràng nên việc dạy và học tiếng Anh lâu nay ở các trường mầm non vẫn trong tình trạng thả nổi, mạnh ai nấy làm. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP HCM, các trường vẫn chỉ tổ chức ở hình thức ngoại khóa, hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ, thuê giáo viên về dạy. Theo thống kê của Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP HCM, tính đến thời điểm đầu năm học 2020-2021, TP HCM có 64 trung tâm tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo một số bộ giáo trình được Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP thẩm định, cho phép.
Bình luận (0)