. Phóng viên: Thưa ông, ông suy nghĩ gì trước tình trạng học sinh (HS) phần lớn đều chọn ban cơ bản, thay vì cả ba ban như mục tiêu đề ra?
- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ban cơ bản hướng tự chọn nhiều hơn, linh hoạt hơn, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau hơn nếu so với 2 ban khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên. Học không quá vất vả mà khi tham gia các kỳ thi cũng vẫn đáp ứng được, chính vì thế HS ngày càng có xu hướng chọn ban cơ bản.
Bên cạnh đó, khi học ban này, học sinh vẫn có thể học nâng cao các môn tự chọn. Báo cáo của nhiều trường cho thấy HS rất ít chọn ban khoa học xã hội – nhân văn, theo tôi, có lẽ do cơ hội nghề nghiệp của các môn này ít.
. Nhưng nhiều giáo viên cho rằng việc HS chủ yếu chọn ban cơ bản vì các em đều tính toán rất kỹ học khối gì để chọn trường thi vào ĐH, CĐ.
- Đó cũng là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản. Thi tốt nghiệp THPT yêu cầu kiến thức rất cơ bản, còn nâng cao đáp ứng những nguyện vọng riêng của HS, theo sở trường, ý thích và khối thi mà mình lựa chọn. Học nâng cao là để phân hóa HS. Chính những môn học nâng cao sẽ là định hướng nghề nghiệp cho HS sau này.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: T. THẠNH
. Vậy nên chăng cần đặt ra vấn đề chỉ nên duy trì ban cơ bản, thưa ông?
- Chương trình phân ban chưa có gì thay đổi cho đến khi ít nhất có chương trình mới, đến năm 2015. Hiện ba ban đó vẫn tồn tại và vẫn có HS học dù có thể chênh lệch. Chỉ có thể nói đến việc bỏ ban nào đó khi không có ai học, còn người học thì vẫn còn tồn tại.
Nhưng bộ sẽ có điều chỉnh tự chọn trong từng ban. Bộ đã tính đến việc học tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, chính vì vậy, ban cơ bản đã có sự phân hóa theo cơ bản A, B, C, D. HS có thể chọn 1-2 môn nâng cao, riêng những em thấy khả năng không thể thi đỗ ĐH thì không cần học nâng cao.
Thực tế, ngay từ đầu, chúng tôi cũng không đặt ra số lượng mỗi ban là bao nhiêu HS mà chỉ tạo ra những cơ hội khác nhau cho HS lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của mình và ở khía cạnh nào đó phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường.
. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua yêu cầu HS học ban nào phải làm phần đề dành riêng cho ban đó nhưng trên thực tế thì ngành GD-ĐT đã không kiểm soát được HS có làm đúng ban của mình không. Vậy kỳ thi tốt nghiệp năm nay bộ có tiếp tục duy trì yêu cầu này?
- Chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra kết luận chính thức tại hội nghị về thi, tuyển sinh. Có người đặt câu hỏi khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, liệu có tiếp tục phân ban như hiện nay? Xin trả lời là hiện chúng tôi chưa đặt ra phương án này.
Sau 3 năm dạy học phân hóa có giải pháp phân ban và tự chọn, chúng tôi thấy cả 3 ban đều có HS theo học, trong ban cơ bản cũng có những lựa chọn học nâng cao khác nhau. Điều này chứng tỏ rằng cách dạy học phân hóa kết hợp với phân ban đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều đối tượng HS khác nhau.
1,9% học sinh chọn ban khoa học xã hội – nhân văn Thống kê của Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện chương trình – sách giáo khoa được tổ chức tại Hà Nội ngày 24-9 cho thấy năm học 2008-2009, tỉ lệ HS lớp 12 trên cả nước chọn ban cơ bản là 76,7%. Tỉ lệ này ở HS lớp 11 là 81,26% và với HS lớp 10 thì lên tới 83,8%. Đặc biệt, khi phân tách từng khu vực, tỉ lệ HS học ban cơ bản còn cao hơn nhiều. Cụ thể, khu vực Tây Bắc bộ có đến 94,3% HS lớp 10 học ban cơ bản, ở Đông Bắc bộ là 91,9%, các khu vực còn lại cứ 5 HS có 4 em chọn ban cơ bản. cũng trong năm học này, số HS lớp 10 chọn ban khoa học xã hội - nhân văn chỉ còn 1,9%, ban khoa học tự nhiên là 14,2%. |
Bình luận (0)