Phải điều tra, làm rõ
Phải hết sức thận trọng khi tiếp thu các chương trình quốc tế. Phải xem chất lượng của các chương trình đó ra sao, không thể chỉ qua một vài buổi tập huấn, gặp gỡ mà coi là đã có thỏa thuận. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM chưa trao đổi đầy đủ, chưa có ý kiến của UBND TP đã vội vã triển khai dẫn đến những thiếu sót. Sở GD-ĐT phải có phát ngôn bằng văn bản, nói rõ cho công luận biết việc có thỏa thuận với Bộ Giáo dục Anh hay không.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ việc thay đổi chương trình vì động cơ nào khác ngoài mục tiêu giáo dục. Phải điều tra, làm rõ để tránh suy nghĩ không tốt về ngành giáo dục. Giáo dục không thể nay dời mai đổi, tạo xáo trộn không cần thiết, tội học sinh. Qua vụ việc, Sở GD-ĐT cần phải xem xét, chỉnh đốn lại và có cách giải quyết bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
PGS-TS Võ Văn Sen (đại biểu HĐND TP HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM)
Sao không kiểm định trước?
Việc tuyển chọn giáo viên cho các chương trình tiếng Anh như chương trình Cambridge hay chương trình tích hợp như thế nào? Họ là giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hay là “Tây ba-lô”, thật khó mà biết được!
Lỗ hổng này chính là do Bộ GD-ĐT khi thiếu chuyên gia thẩm định chương trình và Sở GD-ĐT TP HCM đã tranh thủ kẽ hở này để thực hiện các chương trình giảng dạy tiếng Anh. Đáng lý ra trước khi triển khai, bộ phải tổ chức kiểm tra, kiểm định có sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn.
Hiện có hàng ngàn trường dạy tiếng Anh nhưng học sinh học không ra gì. Việc học sinh ít chọn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cũng cho thấy việc dạy tiếng Anh bậc phổ thông quá dở. Nguyên nhân chính là thiếu giáo viên đạt chuẩn. Việc đào tạo giáo viên tiếng Anh ở các trường ĐH sư phạm đang còn yếu. Bộ phải thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh. Nếu cứ tiếp tục mướn giáo viên nước ngoài thì yêu cầu về tiếng Anh không biết bao giờ đạt được.
GS-TS Võ Tòng Xuân (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang)
Hết sức thận trọng
Xét về chuyên môn, chương trình Cambridge là một chương trình mua lại toàn bộ của CIE (Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge). Đây là một chương trình uy tín và được nhiều nơi trên thế giới áp dụng thành công, cũng đã được nhiều nơi công nhận. Tuy nhiên, sử dụng chương trình của họ thì phải trả tiền, đổi lại là họ sẽ kiểm soát chất lượng chương trình và cung cấp các hỗ trợ về tập huấn giáo viên, kiểm tra thi cử và cấp giấy chứng nhận năng lực cho người học.
Còn chương trình tích hợp chỉ đơn giản là đi lấy một chương trình có sẵn của nước ngoài rồi về áp dụng tại Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể tự làm được nhưng sẽ khó hơn, lâu hơn và đáng nói là cần thời gian thử nghiệm lâu dài. Trong trường hợp ấy thì chính người học đã trở thành “vật thí nghiệm”. Cho nên, phải vô cùng thận trọng và có những nghiên cứu kỹ lưỡng về hiệu quả, tác động của chương trình trước khi áp dụng rộng rãi.
TS Vũ Thị Phương Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ ngoài công lập)
Bình luận (0)