icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyển các trường đại học dân lập sang tư thục : Công khai hóa tài chính và quản lý

Theo SGGP

Theo dự kiến, từ năm 2006, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện chuyển đổi các trường đai học (ĐH) dân lập sang mô hình tư thục. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ ĐH - Sau ĐH Phan Mạnh Tiến xung quanh vấn đề nêu trên.

- Phóng viên: Thưa ông, vì sao chúng ta lại phải chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang mô hình tư thục. Mô hình này có ưu việt gì hơn so với tổ chức, hoạt động của các trường dân lập hiện hành?

- Phó Vụ trưởng PHAN MẠNH TIẾN: Theo Luật Giáo dục mới, có 3 loại hình trường gồm: công lập, dân lập và tư thục. So với quy chế trường đại học dân lập cũ, quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục minh bạch và rõ ràng hơn về quyền sở hữu tài sản.

Trước đây, điều lệ các trường dân lập không quy định vốn điều lệ thành lập trường thì nay, trong quy chế ĐH tư thục, số vốn ban đầu thành lập trường tối thiểu phải là 15 tỷ đồng, ngoài ra còn phải có phòng thí nghiệm, công trình phục vụ nghiên cứu, đào tạo, diện tích đất tối thiểu phải đạt 10m2/sinh viên... (tức là phải có ngay cơ sở vật chất khi thành lập trường, trong khi trước đây, quy chế dân lập yêu cầu sau 10 năm phải xây dựng trường tương xứng với quy mô và ngành nghề đào tạo).

Mặt khác, về cơ chế quản lý, ĐH dân lập không có đại hội cổ đông, trong khi ĐH tư thục quy định có đại hội cổ đông và ban kiểm soát, có quyền lực rất lớn như: bổ sung hoặc bãi miễn thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), tạo ra một cơ chế hoạt động công khai, minh bạch, buộc các thành viên HĐQT có trách nhiệm đối với các cổ đông thành lập trường. Chúng tôi muốn tạo ra một cơ chế dân chủ trong việc điều hành hoạt động và sử dụng kinh phí của nhà trường.

* Có nghĩa rằng trên thực tế, các trường dân lập chưa có cơ chế dân chủ như thế này?

- Đúng là hiện tại, các trường dân lập không có chuyện dân chủ như thế này. Chủ tịch HĐQT của trường dân lập vẫn là người quyết định toàn bộ vấn đề tài chính, nhân sự và các hoạt động khác của nhà trường...

Chính vì thế mà trong mấy năm qua, nhiều trường đại học dân lập đều có chuyện này, chuyện kia chủ yếu xuất phát từ cơ chế tài chính không minh bạch. Ví dụ, học phí, ngoài việc trang trải cho hoạt động của nhà trường thì còn một phần, gọi là tài sản không chia, về quy định thuộc về cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhưng chủ yếu là mấy thành viên HĐQT chi tiêu vì là người nắm và chi phối toàn bộ hoạt động tài chính.

* Bộ GD-ĐT sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì khi chuyển sang mô hình tư thục?

- Chắc chắn là khi chuyển đổi từ mô hình dân lập sang tu thục sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi mấu chốt của nó là công khai, minh bạch hóa tài chính và quản lý của trường. Vì vậy, nhiều trường dân lập sẽ phản đối việc chuyển đổi. Trường nào có hoạt động thu chi tài chính lành mạnh thì sẽ chuyển đổi dễ dàng hơn, ngược lại những trường nào có tài chính “tù mù” thì sẽ gặp khó khăn.

* Cho đến thời điểm xây dựng đề án này, Bộ GD-ĐT có nắm được tình hình tài chính của các trường ĐH dân lập hay không, thưa ông?

- Thực ra, Vụ Kế hoạch tài chính mới là đơn vị có thẩm quyền để trả lời câu hỏi này. Nhưng theo tôi, cơ bản việc nắm tình hình tài chính ở các trường này còn lỏng lẻo, nếu không đã không xảy ra những vụ việc tai tiếng như ở một số trường (Đông Đô, Hữu Nghị...).

* Vậy việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục sẽ theo hướng nào, thưa ông?

- Theo nguyên tắc chuyển đổi cơ bản, việc chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang ĐH tư thục sẽ đảm bảo bình đẳng, công bằng, công khai đối với mọi thành phần, chủ yếu liên quan đến tài chính; đảm bảo duy trì vốn để hoạt động; quyền lợi của những người tham gia Hội đồng quản trị trước đây; quyền lợi của giáo viên và học sinh...

Vấn đề phức tạp nhất là tài sản, trường sở của ĐH dân lập. Về nguyên tắc, các phần tài sản của trường phải được công khai, kể cả việc định giá tài sản: phần nào là vốn của cơ quan tài trợ, phần nào của Nhà nước, phần nào quà biếu tặng, phần nào vốn bổ sung từ kết quả hoạt động, từ lãi ngân hàng....

Sau khi xác định vốn mới tính đến phần nào để trường tiếp tục hoạt động. Khó nhất trong vấn đề chuyển đổi tài sản là các tài sản không chia. Một trong các hướng đưa ra hiện nay có vẻ thuận nhất là có thể sẽ phải bán cho các cổ đông (có tính đến sự đóng góp của các thành viên HĐQT và những người có nhiều công lao đối với nhà trường) và sử dụng tiền đầu tư cho sự phát triển của nhà trường...

Những tài sản thuộc về nhà nước, theo quy định thì vẫn được nhà nước cho phép sử dụng theo các hình thức khác nhau: cho mượn, cho vay, cho thuê.

Về mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế .. không có gì thay đổi lớn. Riêng vấn đề con người trong HĐQT trường ĐH dân lập là đang khó giải quyết vì bản thân họ không có vốn đóng góp nên có thể giải quyết theo mô hình cổ phần...

* Lộ trình thực hiện việc chuyển đổi này sẽ được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo đề án và gửi đi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan và 19 trường đại học dân lập trên toàn quốc. Sau đó sẽ tổng hợp lại và trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi. Theo ước tính của tôi, việc chuyển đổi này sẽ rất mất thời gian, đặc biệt là ở những khâu như định giá tài sản nên có thể sẽ mất đến 5 năm mới có thể làm xong được.

* Xin cảm ơn ông

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo