TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, chia sẻ: Trong công tác chuyển đổi số của ngành GD-ĐT, khó khăn lớn nhất là vấn đề thay đổi tư duy của những bên tham gia trong hoạt động này vì đây là một quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức. Bên cạnh đó, nguồn vốn nhân lực, tài lực, vật lực cũng đang có nhiều hạn chế. Để thực hiện chuyển đổi số cần phải có những đầu tư cho các nền tảng công nghệ, chi phí để đào tạo GV, cán bộ công nhân viên để tất cả đạt được một chuẩn kiến thức về CNTT nhất định. Cuối cùng là cơ sở hạ tầng vẫn còn chưa có sự đầu tư phù hợp và đồng bộ.
*Phóng viên: Nhiều GV cho rằng chuyển đổi số đang tạo thêm việc, thêm áp lực cho người thầy?
- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Những ý kiến như vậy của một số giáo viên không hoàn toàn sai vì thực tế còn một số nơi thực hiện việc chuyển đổi số một cách cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế công tác dẫn tới tình trạng tạo thêm việc cho giáo viên. Ngoài ra, yếu tố khách quan là còn nhiều hệ thống bị trùng lặp về nghiệp vụ, dữ liệu, gây khó khăn cho người trực tiếp thao tác.
Một ngộ nhận phổ biến gần đây là GV cho rằng học trực tuyến là mở một phòng hội thoại trên các hệ thống họp trực tuyến và tất cả giáo viên, học sinh cùng vào phòng hội thoại đó cùng lúc. Đây không phải là hình thức tổ chức dạy học trên nền tảng số theo định hướng của bộ và sở, hình thức này không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho người học lẫn người dạy, thậm chí tạo thêm cho người học và người dạy những ngộ nhận về chuyển đổi số.
* TP HCM sẽ khắc phục những khó khăn và có giải pháp gì?
- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Trong tháng 11-2022, Sở GD-ĐT TP đã rà soát lại toàn bộ các hệ thống được triển khai dưới đơn vị, đánh giá mức độ cần thiết và những yếu tố trùng lặp gây tốn công hoặc khó khăn cho người sử dụng. Trong quý 1-2023 sẽ đưa ra mô hình tham chiếu nghiệp vụ, mô hình tham chiếu ứng dụng và mô hình tham chiếu dữ liệu làm căn cứ để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm có những điều chỉnh phù hợp cũng như là định hướng cho đơn vị khi lựa chọn phải chuyển đổi số.
TP HCM luôn quan niệm công nghệ chỉ là công cụ, việc chuyển đổi số có thành công hay không quyết định là ở đội ngũ thầy cô toàn ngành. Vì vậy, trong năm tiếp theo, TP HCM sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, tạo ra nhiều cuộc thi, hội thi, sân chơi trong lĩnh vực này để các thầy cô giáo biểu diễn năng lực, khả năng sáng tạo của mình ở bậc tiểu học. Xem mô hình lớp học ảo như một giải pháp căn cơ, kịp thời hỗ trợ các đơn vị thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 mà các nguồn đào tạo chưa đáp ứng kịp…
Bình luận (0)