Hơn một năm trước, anh Từ Ngọc Lợi, ở Bình Dương, mày mò chế tạo bàn chải đánh răng có sẵn kem trong cán đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Anh đã khá vất vả để xin cấp bằng sáng chế và cuối cùng đơn đăng ký sáng chế của anh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) thông báo chấp nhận hợp lệ ngày 17-12-2002 (Báo NLĐ đã có bài viết trên số báo ra ngày 14-7-2003).
Mọi thứ trở thành... công cóc!
Đột nhiên, một ngày giữa tháng 4-2004, anh gọi điện thoại báo chúng tôi với giọng buồn thiu: “Sáng chế của tôi đã có một người Mỹ được cấp bằng sáng chế vào năm... 1960 rồi! Cục SHTT vừa gởi thông báo trả lời đây. Buồn quá!”. Tính ra anh Từ Ngọc Lợi đã tốn khoảng 10 triệu đồng và hơn 4 năm nghiên cứu, làm đơn xin cấp bằng sáng chế. Do thiếu thông tin, mọi thứ đều trở thành... công cóc!
Ở TPHCM, bức xúc trước những vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng nhiều người, nhà sáng chế Nhan Thành Út đã mày mò nghiên cứu ra dây cứu hộ nhà cao tầng. Khi xảy ra sự cố, người bị nạn dùng dây cứu hộ sẽ được giữ bằng vòng đai qua chân và lưng, hạ từ từ bằng dây cáp xuống đất an toàn. Dù đơn đăng ký sáng chế của anh đã được Cục SHTT chấp nhận nhưng anh thú nhận: “Đang rất hồi hộp, không biết được cấp bằng sáng chế hay không?”. Anh Út giải thích: “Tôi không đủ điều kiện và thông tin để kiểm tra nơi nào trên thế giới đã có ai sáng tạo ra dây cứu hộ giống như “sáng chế” của tôi hay không?”
Nhà khoa học cũng mù tịt
Tưởng chỉ nhà sáng chế “phó thường dân” mới gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin về SHTT (thông tin sáng chế và đăng ký sáng chế). Ai dè, nhiều nhà khoa học mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng “mù tịt”. Tiến sĩ N.C.V, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, từng được nhiều người biết đến với một loại sản phẩm xây dựng và trang trí nội thất đẹp, bền, rẻ nhưng lại rất lúng túng về SHTT. Ông cũng từng tìm đến Phòng Sở hữu Công nghiệp (SHCN) để tìm hiểu thủ tục đăng ký sáng chế và được đưa cho một xấp tài liệu dày cộm rất chuyên môn để... tự về nghiên cứu mà không kèm hướng dẫn cụ thể. Ông nói: “Chuyên môn thì tôi rành nhưng nếu hỏi tôi về chuyện đăng ký SHTT thì... chịu!”.
Còn ở Trường ĐH Y Dược TPHCM, lại có một trường hợp “dở khóc dở cười” khác. Tiến sĩ P.T là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về khả năng trị ung thư của cây bình bát và thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, chưa trọn niềm vui thì ông được một người bạn ở Mỹ tra cứu tài liệu báo lại rằng ở nước ngoài đã có người nghiên cứu đề tài này trước ông rồi!
Một trung tâm thông tin về SHTT ít người biết
Trong khi người dân không biết tìm thông tin sáng chế ở đâu thì tại TPHCM có một đơn vị trực thuộc Sở Khoa học - Công nghệ chuyên làm công việc này nhưng ít ai biết. Đó là Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TPHCM, số 79 Trương Định, quận 1, chuyên cung cấp thông tin về sáng chế và các thủ tục đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích. Mỗi lần cần tìm thông tin người có nhu cầu tự tìm hoặc nhờ “dịch vụ” với phí 50.000 đồng nhưng thông tin tìm được chỉ là tóm tắt đề mục sáng chế bằng tiếng Anh. Muốn lấy toàn văn thì phải trả phí 1.000 đồng/trang, sau đó phải thuê người dịch vì tài liệu chuyên môn không phải ai cũng đọc được. Theo ông Nguyễn Hữu Phép, phó giám đốc trung tâm, kho tư liệu của trung tâm có hàng chục triệu “pa-tăng” của thế giới và VN, tuy nhiên hiện trung tâm chỉ dịch sang tiếng Việt 2.000 “pa-tăng” vì chưa có đội ngũ biên chế chuyên về dịch thuật.
--------------------------
PGS -TS Phạm Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM:
Chưa thấy được lợi ích thiết thực của SHTT
Thông tin về SHTT cho các nhà khoa học còn rất hạn chế. Có rất nhiều nghiên cứu đã lặp lại những cái trên thế giới đã làm. Nguyên nhân do các nhà khoa học thiếu thông tin. Một điều quan trọng nữa là các nhà khoa học chưa thấy được việc đăng ký SHTT là thiết thực và có quyền lợi cụ thể do Nhà nước chưa nghiêm túc xử lý và bảo vệ tác giả trong trường hợp bị vi phạm. Cần phải thông tin rộng rãi nhiều hơn nữa về SHTT để các nhà khoa học thấy được ích lợi của SHTT và tạo thuận lợi khi họ có nhu cầu đăng ký.
TS Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Công ty Sở hữu Trí tuệ Invenco:
Chưa tin tưởng vai trò bảo hộ của Nhà nước
Hàn Quốc chỉ với 52 triệu dân nhưng mỗi năm đăng ký hơn 100.000 sáng chế. Trong khi đó, VN có hơn 80 triệu dân nhưng đăng ký chưa đến 100. Nguyên nhân không phải là do tiềm lực khoa học sáng tạo của VN yếu. Vấn đề ở chỗ các nhà khoa học chưa thấy được lợi ích của SHTT nên chưa có thói quen phải đăng ký những nghiên cứu của mình. Ở các nước, thông tin về SHTT rất phổ biến với nhiều văn phòng luật tư vấn về SHTT. Ở VN, Nhà nước chưa tạo được sự tin tưởng ở các tác giả về vai trò bảo hộ của Nhà nước khi có sự vi phạm.
Bình luận (0)