Hình ảnh các cụ tuổi ngoài lục tuần mang theo những chiếc cặp đựng dụng cụ học tập bằng túi nilon để tìm đến con chữ đã khiến nhiều người dân xóm biển khâm phục.
Lớp học đặc biệt trên do bà Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau - tổ chức với mong muốn mọi người có thể viết được tên, đọc được chữ.
Các thành viên lớp học đặc biệt ở Cà Mau mang theo những chiếc cặp bằng túi nilon để đến lớp
Người lái đò thầm lặng
Sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề giáo nên ngay từ nhỏ, bà An đã có tình yêu đặc biệt với nghề cao cả này. Năm 1987, bà An là giáo viên dạy văn của một trường THCS trên địa bàn huyện Phú Tân.
CLIP: Lớp học đặc biệt ở Cà Mau
Tuy nhiên, vì một lý do cá nhân nên cô giáo viên trẻ phải bỏ nghề sau 15 năm gắn bó. Sau khi nghỉ, bà tham gia công tác tại cơ sở và giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái từ năm 2010 đến nay.
"Tôi đã trăn trở rất nhiều khi chứng kiến các chị em do không biết chữ nên phải lăn tay khi làm các thủ tục tục hành chính. Từ đó, tôi đã xin mở lớp học xóa mù chữ cho người dân tại địa phương"- bà An nhớ lại.
Bà Đào Thị Thanh An, người có nhiều đóng góp cho lớp học xóa mù chữ ở xóm biển Cà Mau
Trong quá trình vận động, nhiều người từ chối bởi mặc cảm, gánh nặng cuộc sống mưu sinh… Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng bà An bị "khùng", hay "ăn ở không đi chuyện bao đồng" nên không đồng ý đi học.
Năm 2015, lớp học xóa mùa chữ đầu tiên được mở tại ấp Gò Công. Lúc đầu, chỉ với 3 học viên tham gia nhưng bà An vẫn đều đặn lên lớp. Bằng sự chân thành của bà An, ngày càng có nhiều người tham gia lớp học.
Động lực để người cán bộ phong trào vượt qua những lời dị nghị là sự đồng cảm và mong muốn chia sẻ thiệt thòi với phụ nữ vùng nông thôn cũng như thực hiện ước mơ dang dở trước đó.
Lớp học được tổ chức tại trụ sở ấp hay các phòng học tại một số điểm trường trên địa bàn xã Nguyễn Việt Khái. Nhằm đảm bảo việc đến lớp và lao động của người dân, buổi học thường bắt đầu vào buổi trưa hoặc chiều, trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Bên trong lớp học luôn đầy ấp tiếng cười
Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong nghề lái đò thầm lặng, bà An cho biết: "Tôi có người học trò cả 2 vợ chồng đều không biết chữ. Người chồng chở vợ lên TP Cà Mau nhổ răng nhưng do không biết chữ nên anh này kêu vợ nhìn 2 bên đường thấy bảng nào có vẽ hình chiếc răng thì kêu dừng lại… Hay cụ ngoài 70 tuổi, điện thoại nói "nay cho nghỉ học bữa nhe, bệnh quá đi không nổi"… Thương lắm!".
Bà An hướng dẫn từng thành viên trong lớp học
Đồng thời, bà An còn mua gạo, đường, nước mắm, tập sách tặng cho các thành viên trong lớp. Những món quà tuy giá trị không lớn nhưng nó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và tạo động lực để mọi người cùng cố gắng trong việc học.
Để đảm việc nhà và các hoạt động an sinh xã hội, bà An đã lên kế hoạch chi tiết cho từng công việc cụ thể cũng như có được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình.
Biết chữ vui lắm
Lớp học đặc biệt của bà An đã mang con chữ đến cho khoảng 100 lượt học viên sau hành trình 7 năm thực hiện sứ mệnh cao cả.
Cụ Nguyễn Thị Thao (74 tuổi; ngụ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái) cho biết cụ sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc cộng với nhà nghèo nên không thể đi học như bạn bè cùng thời. Khi trưởng thành, lao vào cuộc sống mưu sinh nên cụ chưa từng nghĩ có ngày sẽ đi học và biết chữ.
Cụ Nguyễn Thị Thao chăm chút trong từng nét chữ
"Sau hơn 2 tháng học, tôi có thể đánh vần, đọc chữ và viết được tên. Biết chữ vui lắm, giờ đi làm giấy tờ, khám bệnh có thể ký được tên mình, không phải lăn tay như trước nữa" – cụ Thao nói trong phấn khởi.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang (62 tuổi) cho hay người dân nơi đây đa phần đời sống còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chính chủ yếu phụ thuộc vào nghề đi biển, làm thuê và nuôi trồng thủy sản.
Cứ đến 16 giờ 30 phút hàng ngày, ông Sang và các thành viên trong lớp lại rong ruổi trên con đường quê và mang theo "chiếc cặp" là túi nilon để đến điểm trường Sào Lưới học chữ. Các thành viên trong lớp học này dù tuổi đã cao nhưng không khí trong buổi học không kém phần sôi động, thoải mái và tràn ngập tiếng cười. Những nét chữ còn nguệch ngoạc nhưng để đạt được điều đó là cả quá trình cố gắng rất đáng được trân trọng của các cụ, bởi tìm đến con chữ khi mắt đã mờ, tay yếu.
Dù nét chữ còn nguệch ngoạc nhưng tinh thần chịu khó của các thành viên trong lớp học rất đáng được trân trọng
Nói về những dự định trong thời gian tới, bà An cho biết sẽ gắn bó với công việc ý nghĩa trên cho đến khi sức khỏe không còn cho phép. Do các thành viên trong lớp học rất đặc biệt nên bà và những người "cộng sự" chỉ có thể áp dụng cách dạy theo kiểu truyền thống.
Các thành viên trong lớp học lên bảng thực hành đọc và đánh vần
Một học viên được cháu ngoại hướng dẫn cách đánh vần
"Khi mở lớp mới, học viên cũ đăng ký học tôi vẫn chấp nhận vì đây là cách tốt nhất để mọi người không quên mặt chữ" – bà An tâm sự.
Bà Phạm Lý Ba, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Tân, đánh giá bà Đào Thị Thanh An là một cán bộ luôn xông xáo trong công tác hội, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại địa phương.
"Lớp học xóa mù chữ do bà An tổ chức có ý nghĩa rất lớn đối với người dân cũng như công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Khi người dân nâng cao nhận thức, việc tuyên truyền sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ mô hình này để ngày càng có nhiều hơn lớp học xóa mù chữ đến với người dân" – bà Ba nhấn mạnh.
Bình luận (0)