Đó là em Lê Thị Nhàng (SN 2000, học sinh lớp 12/2 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam - đóng tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Nhàng là người dân tộc Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), nhà ở thôn 5 (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, Nhàng cho biết em và gia đình rất vui khi hay tin được điểm 10 môn giáo dục công dân (GDCD), cũng là người duy nhất ở tỉnh Quảng Nam đạt điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. "Ba em đã ôm em vào lòng rồi bật khóc khi nghe em thông báo kết quả" – Nhàng thuật lại.
Lê Thị Nhàng là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 ở tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nữ sinh người Ca Dong nói rằng thi xong em rất tự tin sẽ đạt điểm cao môn học này nhưng không ngờ đạt được điểm tuyệt đối như vậy. "Hai kỳ thi học kỳ em đều đạt điểm 10 môn GDCD nên em rất tự tin. Khi hoàn thành bài thi vẫn còn thừa 15 phút" – Nhàng chia sẻ và cho hay nhờ chú ý nghe thầy giảng bài trên lớp, nắm được nội dung bài học, hiểu được vấn đề nên thi được điểm cao. Khi thi, em cố gắng tìm từ khóa trong câu hỏi để suy diễn ra, liên hệ trong xã hội để trả lời.
Dù đạt điểm 10 môn GDCD nhưng Nhàng cho hay khá thất vọng với bản thân mình khi điểm môn lịch sử và địa lý không được như kỳ vọng. Cụ thể, môn lịch sử của Nhàng chỉ đạt điểm 4 điểm, địa được 4,75 điểm. Ngoài ra, môn ngữ văn của Nhàng được 7,5 điểm.
"Thi xong em nghĩ sử với địa điểm không quá cao nhưng không thể tin nổi là điểm thấp như vậy, bình thường mấy môn này em học khá tốt, ôn tập khá kỹ nhưng không hiểu sao điểm bài thi thấp quá. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm Huế, tổng điểm 3 môn GDCD, văn, sử và điểm ưu tiên chỉ được 24,25 điểm (cộng 2,75 điểm ưu tiên), không biết có đậu không. Nguyện vọng 2 em muốn được học ngành sư phạm tiểu học nhưng sợ không đậu vì tổng điểm cũng chỉ 19 thôi" – Nhàng khá lo lắng nói.
Tuy điểm thi chưa đạt được như mong muốn nhưng với kết quả như trên, nhất là việc giành được điểm 10 duy nhất của tỉnh, sự nỗ lực của nữ sinh trên rất đáng trân trọng và biểu dương bởi hoàn cảnh của nữ sinh này không như những bạn bè cùng trang lứa khác. Sinh ra tại ngôi làng nằm dưới đỉnh núi Ngọc Linh, nơi Nhàng ở 100% là hộ nghèo, đến thời điểm này vẫn chưa có điện lưới quốc gia, không đường, mới có sóng điện thoại, sóng 3G chập chờn và chỉ có duy nhất một điểm trường tiểu học. Tại thôn 5, chỉ có Nhàng và một em khác theo học THPT.
Nữ sinh người Ca Dong (bìa phải) ước mơ trở thành giáo viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Năm cấp 1 em học học ở điểm trường tại thôn, cấp 2 phải xuống huyện học, cấp 3 thì xuống Hội An. Từ trung tâm huyện Nam Trà My chỉ có một đoạn đường đi xe máy vào được đến thôn 3, sau đó phải đi bộ đường rừng rất cheo leo mới về được nhà. Người lớn khỏe mạnh có thể đi bộ hơn nửa ngày, còn em đi từ 6 giờ sáng đến cuối giờ chiều mới đến nơi. Vì quá xa xôi nên mỗi năm em chỉ về nhà dịp Tết và nghỉ hè, còn lại ở lại trường cố gắng học" – Nhàng cho biết.
Nữ sinh này ước mơ trở thành một giáo viên để sau này truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ ở làng mình, giúp các em vươn lên thoát nghèo, không còn vất vả như ba mẹ các em nữa. "Em thích làm giáo viên dạy môn hóa học nhưng vì không có điều kiện học các môn tự nhiên nên chuyển sang học các môn xã hội. Dẫu biết rằng hiện tại nghề giáo viên đông, không biết có cơ hội việc làm cho mình không nhưng vì học phí không cao, phù hợp vơi điều kiện gia đình nên em chọn đi theo" – Nhàng lý giải.
Ông Lê Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam, đánh giá tinh thần thái độ học tập của Nhàng rất tốt. Em thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội của trường, riêng thành tích học tập không quá nổi bật. Điểm trung bình cuối năm 12 của học sinh này được 7,8 điểm, riêng môn GDCD được 9,2 điểm.
"Em Nhàng rất đầu tư, say mê môn GDCD, kết quả thi phản ảnh đúng khả năng, sở trường của Nhàng ở bộ môn này. Nhà trường rất vui khi hay tin trường mình có thí sinh đạt điểm 10 duy nhất của tỉnh. Kết quả này là điều rất đang biểu dương, ghi nhận bởi đa phần gia cảnh của các học sinh ở trường rất nghèo, khó khăn" – ông Sơn chia sẻ.
Bình luận (0)