xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có một “làng đại học” thuộc... xã

DƯƠNG QUANG – ĐỨC TỚI

Bên con suối Xã Lào hiền hòa ở phía nam thị xã Tam Kỳ – tỉnh Quảng Nam là làng Thuận An (thuộc xã Tam An) nhỏ bé với chỉ hơn 160 hộ dân. Thuận An nghèo, người dân quanh năm sống bám vào cây lúa ngoài đồng nhưng số lượng học sinh học giỏi, đỗ vào đại học thì hiếm có nơi đâu nhiều bằng.

Bên con suối Xã Lào hiền hòa ở phía nam thị xã Tam Kỳ – tỉnh Quảng Nam là làng Thuận An (thuộc xã Tam An) nhỏ bé với chỉ hơn 160 hộ dân. Thuận An nghèo, người dân quanh năm sống bám vào cây lúa ngoài đồng nhưng số lượng học sinh học giỏi, đỗ vào đại học thì hiếm có nơi đâu nhiều bằng.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tam An Bùi Thanh Thọ phấn khởi: “86% trong số 160 hộ gia đình ở Thuận An có con vào đại học. Con em làng này đã phủ kín hầu hết các ngành học hiện nay. Thuận An đã là một... làng đại học rồi còn gì!”.

“Hội Khuyến học” của những người nông dân

Theo những bậc cao niên tại địa phương, so với nhiều vùng tại Quảng Nam và tại miền Trung, Thuận An không phải là “đất học” có truyền thống lâu đời. Phong trào học tập bắt đầu sôi động từ năm 1980 và khởi xướng cho phong trào này không ai khác ngoài những lão nông ít chữ trong làng. Ông Bùi Thanh Thọ kể rằng, trong một lần gặp mặt các thế hệ học sinh trong làng, một lão nông đã đứng lên “khích” lớp trẻ: Làng Thuận An ta chỉ canh tác trên diện tích 60 ha lúa, cả mùa thu được tổng cộng 300 tấn, nếu được giá thì cùng lắm chỉ bán được 600 triệu. Cả năm 2 vụ được 1,2 tỉ nhưng phải nộp thuế, mua phân bón, thuốc trừ sâu, công cán, lúa giống... đủ thứ, chẳng còn bao nhiêu. Chẳng lẽ tụi bây muốn nghèo miết à? Lớp cha ông tụi bây đã nghèo rồi, tụi bây phải lo học để làm giàu. Tụi tao hứa chịu cực, làm thuê làm mướn thêm, để lập quỹ lo cho tụi bây học, tụi bây có dám hứa không? Đại diện lớp trẻ Thuận An đã đứng ra xin hứa với các bậc cao niên. Thế là cái “quỹ khuyến học” của làng ra đời. Mà cái “quỹ” mà các lão nông hứa xây dựng để giúp bọn trẻ cũng thật lạ: Tính bằng ngày công dọn mương, phát bờ rồi quy thóc, sau đó bán thóc lấy tiền. Anh Ngô Tấn Kiên, thành viên Hội Khuyến học xã Tam An, hóm hỉnh: “Làm kiểu nớ là ấn tượng nhứt. Tụi trẻ thấy mấy “ông khuyến học” suốt ngày nai lưng kiếm tiền cho tụi nó học, đố đứa mô dám không lo học”. Mỗi năm, “quỹ khuyến học” này gom góp được chừng vài ba triệu, chừng ấy so với hàng trăm học sinh giỏi của Thuận An là quá nhỏ bé. Vì thế, những phần thưởng mà Hội Khuyến học thôn Thuận An tặng cũng rất bé nhỏ, chỉ... 20.000 đồng/phần. Chúng tôi tròn xoe mắt không tin, ông Bùi Thanh Thọ cho biết: “Giá trị tinh thần là chính. Những người làm công tác khuyến học cho làng đều là nông dân nghèo, đồng tiền làm ra có hạn. Nhưng mà, các anh không tin thì vào Hội Khuyến học tỉnh hỏi thử cả chục năm qua có nơi mô làm tốt như Thuận An không?!”.

Chúng tôi vào Hợp tác xã Tam An 2 vào giờ gần trưa, đúng vào lúc bà con đang nhập lúa cho Hợp tác xã. Nghe hỏi chuyện học, những người nông dân lam lũ cũng tụ lại góp chuyện và một lát sau chúng tôi mới ngớ ra rằng họ cũng là... những thành viên hội khuyến học. Anh Ngô Tấn Kiên lý giải: “Gần như ai cũng làm “cán bộ”- khuyến-học-nông-dân được hết! Làm không công, chỉ mong con em học giỏi. Quỹ hoạt động của hội chỉ có... 80.000 đồng/tháng, làm chi có lương!”.

“Trường đại học tổng hợp” của làng

Theo lời anh Ngô Tấn Kiên, thì chỉ có Học viện Quan hệ quốc tế là con em Thuận An chưa vào được. Còn lại, rải đều từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và TPHCM, hễ nơi nào có những trường đại học, cao đẳng tầm cỡ là có sinh viên người Thuận An, không học ngành này thì cũng học ngành nọ. Bây giờ, về Thuận An tìm một gia đình có từ 3 - 5 con vào đại học là chuyện dễ ẹt! Người làng xem việc học là đại sự, nên dù nghèo đến mấy cũng gắng không để con cái học hành dở dang. Từ đó, học sinh trong làng “cùng” thi với nhau mà học, nhà nhà cố “theo” nhau bằng thành tích đỗ đạt của con cái mình. Trong mỗi gia đình, người anh, người chị đi trước có nhiệm vụ dìu dắt cho các em. Thế nên, có gia đình như ông Nguyễn Bá Vinh có tới 10 con đỗ cao đẳng (1 người), đại học (8 người) và cao học (1 người), hiện đang giữ kỷ lục của làng. Thứ nhì phải kể đến nhà ông Phạm Hoằng với 8 con học đại học (6 người) và cao đẳng (2 người). Theo Hội Khuyến học Thuận An, những gia đình có từ 3 – 5 con vào đại học như nhà ông Bùi Khuyên, hay nhà bà Nguyễn Thị Hường thì “tràn tràn”. Ở Thuận An giờ đây, hễ gia đình nào không có con vào đại học coi như bị thua thiệt!

Phong trào học tập của Thuận An đi lên một phần nhờ chiêu thức “khích tướng” độc đáo của Hội Khuyến học làng, một phần nhờ những tấm gương học tập gương mẫu như anh Phạm Cao Trí, Bùi Vũ Vân Hoài, Bùi Ngọc Hồng... Chuyện anh Bùi Ngọc Hồng đi bộ đội về, quẳng ba-lô lên đường vào TPHCM vừa làm vừa luyện thi, thi đậu Đại học Luật TPHCM và sau đó tốt nghiệp thủ khoa trường này đã trở thành một tấm gương tiêu biểu nhất cho các thế hệ trẻ Thuận An. Đến nỗi, mỗi khi răn dạy việc học, người Thuận An thường nhắc con cái mình: “Tụi bây ngó “thằng” Hồng đó mà theo kìa...”.

Nghèo, nhưng tôn sư trọng đạo

Thường thì truyền thống hiếu học đi cùng với nền nếp tôn sư trọng đạo. Ở Thuận An thực sự là như thế. Làng Thuận An những ngày đầu tháng 5 này sống cùng rơm rạ và những nong lúa vàng óng ngoài sân. Cái khó, cái nghèo lộ cả ra trên khuôn mặt những người nông dân khu làng nhỏ này trở về sau những buổi trưa làm đồng nhọc nhằn. Họ chỉ biết nhờ vào cây lúa. Những ang lúa từ mùa thu hoạch hôm nay chính là món học phí cho con cái ở xa. Bà Nguyễn Thị Hường một thân một mình nuôi 5 con học đại học, chạy tiền đứt cả hơi nhưng cũng phải ráng. Bao nhiêu lúa gạo thu được, bà bán tất dành lấy cho con. Bà Bùi Thị Yến thì gom hết lúa từ 2 sào ruộng cùng với con heo 70 kg nuôi cả chục tháng trời để lo học phí cho đứa nhỏ và tiền làm đồ án tốt nghiệp cho đứa lớn. Ngay cả ông Châu trưởng thôn cũng ngay ngáy chuyện thằng con sắp tới nhập học. Gần như ai cũng có nỗi lo, nhưng chúng tôi đọc trong mắt họ niềm sung sướng, hạnh phúc khi nói về các con của mình. Khi nghe nhắc đến chuyện gia đình ông Nguyễn Bá vinh nhờ có 10 con đỗ đạt, nay đã khấm khá chuyển cả gia đình vào TPHCM sinh sống, khuôn mặt họ rạng ngời niềm hy vọng một ngày không xa sẽ đến lượt mình.

Dù quỹ hoạt động chỉ có 80.000 đồng/tháng và thành viên là những người nông dân lam lũ, nhưng Hội Khuyến học làng Thuận An vẫn thường xuyên theo sát phong trào học tập của con em.

Những thành viên Hội Khuyến học làng còn quả quyết với chúng tôi rằng người Thuận An có được cái đức học cũng nhờ những cây cao bóng cả trong làng. Hội cũng chủ trương xây dựng hình ảnh những người thầy mẫu mực để con em noi theo. Một trong những tấm gương ấy là cụ Lương Quế, năm nay đã tuổi 80. Cụ Quế nguyên là giáo viên, là thầy của nhiều thế hệ học sinh của làng. Kiến thức sâu rộng, phong cách chuẩn mực và sự quan tâm sâu sát đến lớp trẻ của ông giáo khiến ông trở thành một “bóng cả” chở che cho lớp trẻ. Ông luôn khuyên bảo các gia đình, các học sinh trong làng chăm lo đến cái sự học. Qua bao năm tháng như thế, chuyện học hành ở Thuận An khá lên thấy rõ. Giờ đây, những gia đình nào có con cái học hành chưa như ý là tìm đến với ông giáo, trước hết để xin một lời chỉ vẽ, tiếp đến là mong một sự “bỏ quá” cho. Ông Bùi Thanh Thọ nói rằng, đứa nào chây lười, gặp thầy Quế “giáo huấn” cho một lúc là về lo mà học đêm học ngày...

Gần 30 phút tiếp chuyện chúng tôi, ông giáo Quế rất kiệm lời, cứ mãi nói: “Tụi trẻ tự ý thức mà lo học đấy thôi, có nhờ tôi chi đâu”, nhưng khi chia tay, ông mới bộc bạch: “Cậu ở TPHCM ra à. Tôi có mấy chục đứa học trò trong đó, rất hay về thăm tôi...”. Ông còn gửi gắm cho tôi một mong ước rất cận nhân tình: “Giá như Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam mà để mắt tới Thuận An thì con em ở đây nhờ đỡ biết mấy...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo