Tôi vốn mê Truyện Kiều từ bé, lớn lên lại theo nghiệp văn chương nên những công trình nghiên cứu về Truyện Kiều, tôi gần như đã đọc qua. Tôi biết đến tên tuổi của thầy cũng từ niềm say mê đó vì thầy là một trong những nhà giáo, nhà nghiên cứu viết nhiều và viết hay về kiệt tác Truyện Kiều.
Nhà quản lý có tâm, có tầm
Người thầy mà tôi luôn muốn nói lời tri ân nhưng chưa một lần bày tỏ, là PGS-NGƯT Nguyễn Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến. Thầy đã có hơn 30 năm giảng dạy tại các Khoa Ngữ văn của ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM với các công trình khoa học có giá trị: Bộ Giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XIX, Văn học thời Tây Sơn, Từ điển Nghệ thuật Hát bội...
Dù suốt quãng đời đi học, tôi chưa từng được học thầy Nguyễn Lộc, chưa có dịp được gặp gỡ, trò chuyện cùng thầy nhưng thầy lại là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của tôi. Đó là khi tôi được về làm việc ở trường ĐH mà người đứng đầu ngôi trường ấy chính là thầy. Có thể nói, khoảng thời gian được làm việc cùng thầy là những năm tháng thanh xuân đầy khó khăn nhưng tươi đẹp nhất trong cuộc đời tôi, cũng là khoảng thời gian mà tôi cảm nhận rõ nhất lẽ được mất ở đời...
Và tôi cũng đã trưởng thành hơn từ những năm tháng đó.
Cho đến bây giờ, nghĩ về thầy Nguyễn Lộc, tôi vẫn ấn tượng về một nhà quản lý có tâm nhưng cũng vô cùng nguyên tắc. Còn nhớ, năm 1999, khi đến gặp thầy để xin về công tác tại Trường ĐH Văn Hiến, tôi đã có "lưng vốn" để có thể làm một cán bộ cơ hữu của trường: bằng thạc sĩ loại xuất sắc, đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục và đã từng thỉnh giảng ở một số trường ĐH dân lập ở TP HCM. Hơn nữa, đến gặp thầy, tôi còn mang theo "bảo bối" là những lời giới thiệu khá "nặng ký" từ những nhân vật có tên tuổi như: GS-NGND Hoàng Như Mai, PGS-TS Trần Hữu Tá, nhà văn Hoàng Lại Giang và cả nhà thơ Ý Nhi - phu nhân của thầy, lúc đó là Giám đốc Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TP HCM. Thế nhưng, thầy không nhận tôi ngay mà kiểm tra chuyên môn của tôi khá kỹ. Mãi đến năm 2001, nghĩa là 2 năm sau khi tôi nộp hồ sơ, thầy mới chính thức nhận tôi về làm giảng viên cơ hữu cho Khoa Ngữ văn. Thú thật, lúc đầu tôi rất buồn vì thấy mình không được tin tưởng nhưng sau này, khi vững vàng trên giảng đường ĐH, tôi mới hiểu và quý hơn sự thận trọng của thầy.
PGS-NGƯT Nguyễn Lộc (Ảnh do người nhà PGS cung cấp)
Trọn đời tâm huyết với giáo dục
Thầy cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi ở niềm say mê, tâm huyết với giáo dục. Thầy rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao cho nhà trường. Trong tham luận tại Hội nghị Khoa học Nghiên cứu con người, giáo dục, phát triển thế kỷ XXI do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (năm 1994), thầy từng nhấn mạnh: "Cần phải coi việc xây dựng đội ngũ thầy giáo ĐH đủ về số lượng và có chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu để tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong ngành giáo dục". Trong đó, vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên "có đầy đủ phẩm chất và năng lực", nhất là các giảng viên cho các ngành khoa học xã hội, được thầy xem là quan trọng và bức thiết. Nhà giáo Nguyễn Lộc tâm sự: "Đối với ngành KHXH&NV của chúng tôi, đào tạo được một nhà khoa học đáng tin cậy không phải là công việc của 3 năm, 5 năm, mà là công việc của hàng chục năm trời". Đó là một thực tế mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng quan tâm và nhìn thấy được. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận tôi về làm giảng viên cơ hữu của trường, thầy đã yêu cầu trong vòng 3 năm, tôi phải làm nghiên cứu sinh...
Trong buổi họp đầu tiên khi mới về trường, tôi rất tâm đắc hai điều thầy chia sẻ: "Còn trẻ, phải dành thời gian cho giảng dạy và nghiên cứu, làm quản lý thì uổng lắm; còn trẻ, phải có người "ép" mới học được, nếu không thì thời gian đi qua nhanh lắm". Quả thật, nhờ "có người ép" mà tôi đã vượt lên tất cả những khó khăn để tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu. Mặc dù sau này, thế sự có đổi thay, thầy không còn ở cương vị hiệu trưởng nữa và tôi cũng không nhận được chế độ đãi ngộ của nhà trường để làm nghiên cứu sinh như dự định của thầy nhưng tôi vẫn vui và thấy việc học tiếp của mình lúc bấy giờ là quyết định đúng đắn. Nếu không có sự động viên và gần như "ép buộc" của thầy, có lẽ con đường học hành của tôi đã kết thúc, vì hơn ai hết, tôi hiểu hoàn cảnh của mình.
Công ơn này, làm sao quên được!
Mãi khắc ghi trong tim
Nhưng hơn tất cả, thầy Nguyễn Lộc được rất nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò yêu mến và trân trọng còn bởi một điều giản dị: Thầy là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung. Là người ít nói và nghiêm khắc nhưng thầy cũng rất bình dân và hòa đồng; luôn ân cần và gần gũi với cán bộ, giảng viên, sinh viên. Còn nhớ, những dịp Khoa Ngữ văn tổ chức giao lưu, các em sinh viên đã rất "lém" khi chất vấn thầy nhiều chuyện ngoài chuyên môn, trong đó có cả chuyện đời tư. Với phong thái từ tốn và cũng rất hóm hỉnh, thầy đã giải tỏa sự tò mò của các em bằng những câu chuyện thú vị, và lúc ấy, cả giảng đường như sôi lên vì những tiếng vỗ tay, reo hò ầm ĩ...
Nhưng những lạc quan ấy không còn nữa khi biết bao chuyện không vui đã xảy đến với thầy và cũng để lại những tổn thương sâu sắc trong lòng mỗi chúng tôi...
Sau đó, thi thoảng tôi vẫn đến thăm thầy. Tôi muốn được trò chuyện cùng thầy và nhà thơ mà tôi luôn ngưỡng mộ. Vẫn ân cần và chu đáo, thầy hỏi thăm tôi về việc học hành, công việc, về gia đình, con cái... Thầy vẫn nói chuyện về cuộc đời, về con người với một tấm lòng độ lượng. Mỗi lần như vậy, tôi càng thấy kính trọng thầy hơn và cảm thấy yên tâm khi thầy tôi đã bình thản đứng bên ngoài dòng chảy xô bồ, hỗn tạp của cuộc sống đời thường.
Dù năm tháng qua đi, mái tóc thầy có thêm nhiều sợi bạc, bước chân thầy có chậm hơn xưa và đôi lúc có phần hồn nhiên trong sự nhớ nhớ quên quên, bởi tất cả đã được đẩy sâu vào miền ký ức, nhưng tấm lòng nhân hậu, niềm say mê tâm huyết với sự nghiệp trồng người của thầy vẫn xanh mãi trong tim chúng tôi. Chính điều ấy đã nâng đỡ biết bao thế hệ học trò, giúp chúng tôi vững tin bước đi trên mọi nẻo đường đời.
Xin một lần được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thầy Nguyễn Lộc.
Vài dòng tiểu sử
PGS-NGƯT Nguyễn Lộc sinh ngày 14-12-1936 tại Bình Mỹ, Bình Sơn, Quảng Ngãi (hiện thường trú tại TP HCM). Từ năm 1945-1954: Học cấp 1 và 2 tại trường huyện; học cấp 3 tại trường Lê Khiết, Quảng Ngãi. Năm 1954 được chọn ra miền Bắc để tiếp tục học tập (trước ngày hòa bình), sau đó sang Trung Quốc học Hoa văn. Từ năm 1956-1957: Phiên dịch tại Ban Chỉ đạo hoạt động quốc tế Trung ương Đảng. Từ năm 1957-1987: Học và giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - ĐH Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1987-2000: Giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM. Năm 1988, cùng GS Hoàng Như Mai vận động thành lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP HCM và là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đầu tiên của Hội. Từ năm 1997-2003: Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Văn Hiến.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)