“Với tư cách một giáo viên (GV) đã 52 năm trong nghề, tôi thực sự băn khoăn với cuộc bầu chọn “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất” như kế hoạch mới đây của Bộ GD-ĐT. Đối với GV, tình cảm yêu thương của học trò dành cho mình là quan trọng nhất, người tâm huyết sẽ không cần đến danh hiệu” - GS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thẳng thắn.
Đối với giáo viên, tình cảm yêu thương của học trò dành cho mình là điều
quan trọng nhất chứ không phải danh hiệu. Ảnh: Tấn thạnh
Theo GS-TS Trần Hữu Tá, bất cứ việc làm nào động viên tinh thần GV đều quý cả, nhất là trong tình hình nền giáo dục còn nhiều ngổn ngang như hiện nay. Tuy nhiên, từ trước đến nay, GV đã có nhiều loại danh hiệu như lao động giỏi, chiến sĩ thi đua, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú... GV được trao những danh hiệu này ngoài việc có nhiều đóng góp cho giáo dục, chủ yếu vẫn là do học sinh quý mến, đồng nghiệp tin yêu.
“Cuộc bầu chọn danh hiệu này theo tôi là lặp lại những danh hiệu cũ. Như vậy thì thêm làm gì cho mệt” - ông Tá nhìn nhận.
GS-TS Trần Hữu Tá cho rằng hình thức bầu chọn mỗi trường một GV, sau đó gửi đến cấp huyện rồi tỉnh bình chọn là rất rối rắm và vô lý. Theo ông, một trường có rất nhiều GV, lấy gì bảo đảm người này hơn người kia, GV trường này hơn GV trường khác? “Động viên tinh thần không cẩn thận có khi lại phản tác dụng” - GS-TS Tá nhận xét.
Mặt trái của cuộc bầu chọn, theo nhà giáo nhiều năm trong nghề này, là có thể gây mất đoàn kết chỉ vì “anh/chị được yêu quý hơn tôi” và GV không được bầu chọn khó tránh khỏi tâm lý chán nản.
“Tôi không có ý bài bác hay phê phán việc tôn vinh danh hiệu này của Bộ GD-ĐT mà chỉ thấy băn khoăn. Nếu được thực hiện, kết quả bầu chọn không những không thỏa đáng mà còn sẽ loạn danh hiệu” – ông Tá băn khoăn.
Theo GS-TS Trần Hữu Tá, Bộ GD-ĐT nên quan tâm một cách thiết thực đến đời sống GV hơn là tổ chức những cuộc bầu chọn mang tính hình thức này.
“Với tư cách một GV, nếu hỏi tôi có tha thiết với danh hiệu này không, tôi chắc chắn là không. Điều GV cần là được tạo điều kiện tốt để yên tâm, phấn khởi làm việc, được trân trọng về mặt tinh thần và trong điều kiện khó khăn hiện nay, GV còn cần được cải thiện về mặt vật chất. Hiện nay, vẫn có nơi, GV chỉ được thưởng Tết có 50.000 đồng thì làm sao phấn khởi cho nđược” - GS-TS Tá bức xúc.
Tình cảm của học trò là quý nhất
|
Bình luận (0)