xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Coi nhẹ bồi dưỡng tâm hồn

Hoàng Thị Thu Hiền

Chương trình hiện nay quá coi nhẹ giáo dục âm nhạc, mỹ thuật cho học sinh, ở bậc THPT hoàn toàn bỏ trống. Việc bồi dưỡng tâm hồn, kỹ năng cho học sinh là lỗ hổng gây nhiều hệ lụy

Đổi mới sách giáo khoa (SGK) và có nhiều bộ sách cùng một lúc là điều cần thiết. Giáo viên có quyền lựa chọn SGK nào mà mình cảm thấy phù hợp với đối tượng học sinh, giống như con ong hút mật để làm bài giảng  thêm phong phú. Và học sinh cũng có thêm kênh để làm tài liệu tham khảo. Nhưng cái quan trọng hơn trước khi đổi mới SGK là đổi mới chương trình. Thực tế, chương trình hiện nay quá nhiều điều bất cập.

Vào thực tế như gà mắc tóc

Chương trình quá coi trọng về các môn khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa, sinh... và cũng chỉ chú trọng về lý thuyết mà không coi trọng thực nghiệm và thực hành, thực tế. Sinh viên Việt Nam du học nước ngoài trong năm học ĐH đầu tiên có thể thi lấy chứng chỉ nhiều hơn sinh viên bản xứ cả chục cái, không phải vì chúng ta giỏi hơn mà vì các em đã được học trước ở chương trình phổ thông. Chương trình của chúng ta quá nặng, thiên về nhồi nhét kiến thức và chỉ là lý thuyết suông để rồi khi ra trường va vấp với thực tế, các em lúng túng như gà mắc tóc. Môn sinh vật dạy các em nghiên cứu ADN rất ghê gớm nhưng rất nhiều học sinh ở thành phố không phân biệt được bắp cải, su hào và su su - những rau củ ăn hằng ngày. Hóa học, vật lý cũng thế. Chương trình và SGK của chúng ta thiên về học thuộc chứ không phải suy luận và áp dụng thực tế như ở các nước tiên tiến khác .

 

Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) bắt đầu giờ học bằng một bài hát Ảnh: TẤN THẠNH
Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) bắt đầu giờ học bằng một bài hát Ảnh: TẤN THẠNH

 

Chương trình hiện nay quá coi nhẹ giáo dục âm nhạc, mỹ thuật cho học sinh, ở bậc THPT hoàn toàn bỏ trống. Đây là những môn học góp phần rất lớn trong việc bồi dưỡng tâm hồn cho các em, định hướng gu thẩm mỹ và nâng cao trình độ cảm nhận nghệ thuật. Học sinh của chúng ta trình độ cảm nhận và thưởng thức nghệ thuật chưa bằng so với học sinh các nước khác một phần rất lớn là do các em chưa được dạy một cách bài bản ở chương trình phổ thông. Đó cũng là điều giải thích tại sao học sinh THPT mỗi khi hát tập thể toàn phải hát lại những bài từ hồi mẫu giáo và tiểu học. Chúng ta dạy học sinh phải hướng về cội nguồn nhưng không ai dạy cho các em biết hát và biết cảm nhận vẻ đẹp của làn điệu ca dao quê hương như thế nào. Cũng ít lắm những học sinh có thể thuộc trọn vẹn lời và giai điệu của bài hát đã vượt thời gian đi cùng năm tháng.

Chúng ta hô hào “nghe có ý thức” nhưng chưa dạy cho các em biết ý thức phải như thế nào? Để rồi khi đi giao lưu văn hóa với các bạn nước ngoài, các em lại phải hát những bài của nước bạn mà không phải những bài hát của quê nhà. Đứng trước một bức tranh hay tấm ảnh nghệ thuật, học sinh chúng ta hầu hết mù mờ trong cảm nhận vì chương trình không dạy các em cách thưởng thức các tác phẩm hội họa. Các phép tính, máy móc có thể làm thay nhưng tâm hồn của con người thì không thể một máy móc nào, một lập trình nào thay thế được .

Chương trình phải có biên độ mở

Chương trình là pháp lệnh, vậy trước khi pháp lệnh ấy được thực thi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy đưa ra dự thảo về chương trình để cho đội ngũ trí thức trong cả nước tham gia góp ý xây dựng. Và cũng cần phải đề ra tiêu chí cụ thể để làm cơ sở thống nhất xây dựng chương trình. Phải có tổng chủ biên phụ trách chung từ tiểu học tới trung học, tránh phân khúc từng đoạn để rồi xảy ra tình trạng lớp trên học lại bài đã dạy ở lớp dưới; bài quá khó hoặc quá dễ không phù hợp với tâm sinh lý học sinh.

Chương trình phải hấp dẫn, mang độ khái quát cao và có biên độ mở cho người dạy phát huy khả năng sở trường của mình, có thể có nhiều lựa chọn cho một vấn đề. Chỉ nên quy định phần bắt buộc chứ không nên quy định quá cụ thể cho từng đề mục. Ví dụ, môn văn dạy tác giả Xuân Diệu nên chỉ nêu tên những bài thơ tiêu biểu của tác giả và người dạy có quyền chọn một trong những bài thơ đó, chứ không nên quy định bài cụ thể.

Rất mong việc đổi mới chương trình lần này đúng như thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã nói: “Chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ... vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Tiếp cận theo hướng năng lực đòi hỏi học sinh làm, vận dụng được gì hơn là biết những gì. Tránh được tình trạng biết rất nhiều nhưng làm, vận dụng không được bao nhiêu; biết những điều rất cao siêu nhưng không làm được những việc rất thiết thực, đơn giản trong cuộc sống thường nhật”.

Dạy kỹ năng sống, dạy làm người cho học sinh cần phải được đưa vào chương trình chính khóa bắt buộc, phải được coi là một hoạt động quan trọng cần thiết chứ không phải để cho mỗi trường tự tổ chức theo kiểu tự phát. Có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực. 

 

Đề thi phải tăng cường kỹ năng

Song song với việc đổi mới chương trình, SGK phải đổi mới đề thi. Bộ ba tướng - sĩ - tượng này phải đồng bộ, đi liền với nhau thì mới có hiệu quả. Đề thi phải có độ mở, thiên về khả năng tư duy và sáng tạo chứ không phải học gạo, học vẹt. Đề thi hay phải là sự rải suốt của chương trình, tổng hợp kiến thức đã học chứ không phải chỉ nằm trong một bài và phải kiểm tra đánh giá được nhiều kỹ năng của học sinh. Thay đổi đề thi sẽ mang tính đột phá trong cách dạy và học.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo