Cu Bin năm nay lên lớp 5. Bốn năm học trước, năm nào cô giáo chủ nhiệm của cháu cũng dạy thêm tại nhà. Năm học vừa rồi, có lần cháu đi học thêm ở nhà cô chủ nhiệm về kể: “Cô ra bài nhưng giao cho chồng trông tụi cháu học”. Cả nhà tôi đâm lo. Chồng cô làm công nhân xây dựng thì làm sao thay vợ dạy học sinh?
Các bà mẹ gặp nhau với nét mặt buồn hiu, lo lắng: “Làm sao bây giờ? Cô là chủ nhiệm mở lớp dạy thêm, không cho con đi học, lỡ cô... thì sao?”. Cuối cùng, các bà mẹ vẫn phải cho con theo học đến hết năm. Khốn nỗi, không chỉ học thêm nơi cô chủ nhiệm, các bà mẹ còn phải cho con học thêm tiếng Anh, học nâng cao môn tiếng Việt, môn toán ở những thầy cô dạy có tiếng... Cứ thế, mỗi tuần các cháu có 6 tối học thêm.
Riêng tiền học thêm của cu Bin, tiền lương của cô con dâu tôi không trang trải đủ. Thương cháu, mỗi khi nhận được kỳ lương hưu, tôi lại đưa nó đi mua vài cuốn sách giáo khoa nâng cao hay truyện thiếu nhi. Thấy khuôn mặt cu Bin sáng lên mỗi khi ông đưa đi mua sách, tôi cũng thấy ấm lòng.
Bên cạnh nhà tôi có đứa cháu gái cùng học lớp với cu Bin. Sau khi nghỉ hè được 2 tuần, cô bé chạy sang khoe với tôi: “Ông ơi, mới nghỉ hè mà cháu tăng được 2 cân đấy!”. Nghe cháu nói, tôi mới nhìn kỹ và thấy khuôn mặt cháu hồng hào hẳn lên, chân tay tròn trĩnh. Cháu nhanh miệng kể: “Hai tuần qua, bố mẹ chưa bắt cháu đi học thêm ông ạ”. À ra vậy, được nghỉ hè, không phải học thêm chỉ 2 tuần mà cháu đã tăng cân...
Tiếng trống trường khai giảng năm học mới vang lên. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không tạo áp lực cho học sinh. Song, làm sao để các cháu ít phải học thêm? Có bao nhiêu giáo viên như cô giáo chủ nhiệm của cu Bin năm nay, tuyên bố không dạy thêm tại nhà để những người mẹ như con dâu tôi và các cháu học sinh bớt lo toan và phấn khởi bước vào năm học mới?
Bình luận (0)