Đó là lời của PGS-TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TP HCM – tại hội thảo khoa học "Công bố quốc tế lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam" diễn ra ngày 16-1. Theo ông, trong danh sách các bài công bố thuộc ĐHQG TP HCM năm 2018 trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI, SCIE, ISI và được xếp hạng Q1 thì số lượng các bài thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn là thấp nhất, cho dù đây là mảnh đất đầy tiềm năng với những đặc thù riêng biệt mà thế giới đang rất quan tâm.
"Việc số lượng các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ít ỏi là một thiệt thòi mang tầm quốc gia vì nó ảnh hưởng đến vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, hạn chế những đóng góp của ngành này trong việc phổ biến những giá trị Việt Nam, văn hóa, vai trò nước ta về đối nội, đối ngoại, khẳng định chủ quyền lãnh thổ", PGS Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
Trong khi đó, TS Huỳnh Văn Thông – Trưởng khoa Báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM – cho biết xét riêng khu vực khoa học xã hội và nhân văn, những con số thống kê được công bố quốc tế của Việt Nam cho thấy số lượng công bố rất hạn chế, đặc biệt là các công bố quốc tế uy tín được ghi nhận bởi những cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao như ISI hay Scopus. Thực trạng nữa là ảnh hưởng trong giới chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn rất yếu, tỉ lệ công bố độc lập thấp, chủ yếu các công bố đồng tác giả nhờ tham gia hợp tác nghiên cứu với nước ngoài.
Trích xuất thống kê trên cơ sở dữ liệu của Scopus trong khoảng thời gian 1,5 năm (từ 2017 đến giữa 2018) cho thấy trong số 28.583 trích dẫn của 75 cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận ở 27 lĩnh vực thì số trích dẫn ở hai lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn và khoa học xã hội là 600, chỉ chiếm 2,1%.
Bình luận (0)