Mặc dù vẫn tổ chức thi 2 đợt nhưng nhiều trường ĐH tại Hà Nội đều tiến hành chấm thi ngay sau khi kết thúc đợt I. Theo lãnh đạo các trường, những môn thi trắc nghiệm chỉ mất 3-4 ngày là chấm xong; môn tự luận dù thời gian chấm và rà soát lâu hơn, các trường vẫn dự kiến hoàn thành chấm thi vào khoảng 20-7.
Chú trọng khâu kiểm dò
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với lợi thế nhân lực chấm thi đông nên vẫn là một trong những trường công bố điểm thi sớm nhất. Trường ĐH Giao thông Vận tải bắt đầu chấm từ ngày 12-7, dự kiến 25, 26-7 sẽ chấm xong và công bố điểm.
Từ ngày 11-7, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ chấm thi, dự kiến khoảng 23-7, công tác chấm thi hoàn tất. Dự kiến ngày 29-7, trường sẽ công bố kết quả. Theo kế hoạch ngày 14-7, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - đơn vị đảm trách toàn bộ việc coi thi, chấm thi các môn toán, lý, hóa, sinh cho khối A, A1, B, D của hệ thống ĐHQG Hà Nội - sẽ bắt đầu chấm thi. Theo lãnh đạo nhà trường, ngoài số thí sinh dự thi môn toán thuộc khối D, riêng số bài thi môn toán khối A, A1, B là khoảng 9.000 bài sẽ được hơn 60 thầy cô khoa toán chấm. Trường dự kiến việc chấm bài tự luận sẽ mất khoảng 5 ngày, chấm trắc nghiệm có thể nhanh hơn và khoảng 20-7 trường có thể công bố kết quả thi.
Lãnh đạo Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy cho biết trường đã xuất hiện điểm 9 môn toán khối A ở vòng chấm 1. Đánh giá ban đầu cho thấy điểm thi vào trường năm nay có xu hướng cao hơn năm ngoái, điểm nhiều nhất là 6-7.
PGS-TS Đinh Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho hay dự kiến việc chấm thi của trường sẽ hoàn thành vào khoảng 20-7 vì lượng bài thi của thí sinh ít hơn mọi năm nhưng số lượng giáo viên chấm vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trường sẽ không công bố điểm quá sớm vì còn muốn kiểm dò sau chấm thật kỹ lưỡng, tránh tối đa sai sót có thể ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh.
PGS-TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động và Xã hội, cho biết ngày 13-7 đã chuyển giao bài thi trắc nghiệm cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chấm, các môn tự luận trường sẽ nhờ giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chấm giúp.
Còn Học viện Ngân hàng dự kiến khoảng 25-7 sẽ kết thúc việc chấm thi và sau khi kiểm dò cẩn trọng sẽ công bố kết quả.
Giữ chuẩn để bảo đảm chất lượng
Mặc dù năm nay lượng thí sinh đăng ký hồ sơ vào các trường giảm hẳn nhưng dự kiến điểm vào trường vẫn giữ nguyên. Lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết để bảo đảm chất lượng đào tạo, chủ trương của trường là giữ điểm chuẩn ở mức không dưới 15 điểm ngay cả với ngành khó tuyển hoặc ngành mới mở như kỹ thuật trắc địa bản đồ, thủy văn. Trong trường hợp tuyển không đủ chỉ tiêu nguyện vọng 1, trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Ông Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cũng chia sẻ điểm chuẩn của trường dự kiến tương đương năm trước. Những ngành có điểm thấp nhất cũng không dưới 17,5 điểm và ngành có điểm chuẩn cao nhất có thể lên đến trên 23 điểm.
Theo ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, trường sẽ tuyển nguyện vọng bổ sung để tăng chất lượng đầu vào. Dự kiến ngành có điểm chuẩn thấp nhất vào trường dự kiến không dưới 16 điểm.
Ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết việc tuyển sinh theo nguyện vọng bổ sung khiến trường rất bị động vì thí sinh rút hồ sơ liên tục. “Có năm thí sinh thấy điểm cao quá nên 24, 25 điểm vẫn rút hồ sơ để nộp vào trường khác, kết quả là thí sinh còn lại 16 điểm vẫn đỗ. Do đó năm nay trường sẽ hạn chế việc tuyển nguyện vọng bổ sung” - ông Nam nói.
Xét tuyển theo nhóm ngành
Ông Trương Ngọc Nam cho rằng nguyện vọng tạo nên động cơ. Nhiều thí sinh đỗ nguyện vọng bổ sung học chểnh mảng, có em còn quyết tâm sang năm thi lại để học trường mình thích. Vì thế năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét tuyển theo nhóm ngành chứ không theo từng ngành để tạo điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nếu không đỗ được vào ngành mình đăng ký ban đầu.
Bình luận (0)