Chiều 10-11, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã ký văn bản “tuýt còi” Công văn số 5997/BGDĐT-KHTC ngày 21-9-2010 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc thực hiện miễn, giảm học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.
Nội dung và hình thức “đá” nhau
Theo TS Lê Hồng Sơn, Công văn số 5997 đã đưa ra các quy định như: giấy tờ xác nhận đối tượng được miễn, giảm học phí; trách nhiệm của các trường trong việc thực hiện miễn, giảm học phí... buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ khi thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. TS Lê Hồng Sơn cho rằng việc đưa ra hướng dẫn theo cách này đã không bảo đảm sự tương thích giữa hình thức văn bản là công văn với nội dung quy phạm pháp luật chứa trong công văn. Ngoài ra, Công văn 5997 quy định các giấy tờ xác nhận đối tượng được miễn, giảm học phí (sổ đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình; giấy chứng nhận người có công với cách mạng; giấy chứng nhận hộ nghèo; giấy chứng nhận học sinh, sinh viên bị tàn tật...) phải là “bản sao có công chứng” là không phù hợp với Luật Công chứng và có thể gây khó khăn cho các đối tượng khi làm thủ tục miễn, giảm học phí.
Hướng dẫn sai
Theo TS Lê Hồng Sơn, Công văn 5997 cũng có những nội dung không phù hợp với pháp luật hiện hành. Nội dung công văn đưa ra đối tượng được miễn, giảm học phí bao gồm cả học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn. TS Sơn cho rằng các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn cần phải được đưa vào diện được miễn học phí phù hợp với chủ trương chung cũng như điều kiện kinh tế xã hội của các đối tượng ở địa bàn này. “Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các đối tượng này lại không thuộc diện được miễn học phí trong Nghị định 49. Để bảo đảm nguyên tắc, kỷ luật ban hành văn bản, Bộ GD-ĐT cần bổ sung đối tượng này vào Nghị định 49” – ông Sơn đề nghị.
Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cũng cho rằng Công văn 5997 quy định các trường thực hiện không thu học phí hoặc giảm học phí cho cả đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập là trái với quy định trong Nghị định 49. Theo Nghị định 49, các đối tượng được miễn, giảm học phí sẽ được trực tiếp tiếp nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí từ Nhà nước và phải thực hiện việc đóng học phí đầy đủ cho nhà trường. “Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có thể gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ thu, nộp học phí; ảnh hưởng đến quyền lợi của các trường cũng như đối tượng được miễn, giảm học phí” – cục này nhận định .
Cần xử lý những nội dung chưa phù hợp
TS Lê Hồng Sơn cho biết trước khi ký văn bản “tuýt còi” Công văn 5997, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật đã có cuộc họp với Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Luật Hà Nội và Vụ Pháp luậtt Hình sự - Hành chính của Bộ Tư pháp. Theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương kiểm tra, xử lý những nội dung chưa phù hợp trong Công văn 5997 và thông báo kết quả gửi về cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tư pháp. |
Bình luận (0)