Con không được tham dự buổi chia tay với các bạn thời tiểu học do Covid-19 đến đúng lúc năm học cuối cấp kết thúc. Lên lớp 6, có nhiều bạn mới nhưng chưa một lần được gặp trực tiếp bạn bè, thầy cô mới. Bài học cấp II đầy bỡ ngỡ với phương pháp học mới, sách giáo khoa mới mà lại phải học trực tuyến với lịch học, kiểm tra dày đặc, con tôi nhiều khi ngơ ngác khi mỗi ngày đều thấy cô giáo nhắc nhở phải làm bài. Kết quả kiểm tra giữa kỳ I nhiều môn điểm thấp khiến con càng buồn, lo lắng.
Khi trẻ trở lại trường, nhà trường cần có các hoạt động hỗ trợ tâm lý (ảnh minh họa). Ảnh: TẤN THẠNH
Dù hỗ trợ con những phần bài không hiểu nhưng do phải ngồi máy tính quá nhiều, con không còn tập trung ngồi học thêm với bố mẹ vào buổi tối. Bài tập các môn chồng chất, sáng tối dán mắt vào hình, thời gian rảnh là con lăn ra ngủ. Con tôi béo phì, lười vận động, lại không được ra ngoài, trở nên uể oải, chán chường, cáu gắt và hay khóc. Không ép con phải làm bài tập nhiều và động viên con đến khi học trực tiếp sẽ thấy thoải mái hơn nhưng con lại nói: "Bây giờ học ở nhà quen rồi đến trường con lại thấy ngại, con muốn ở nhà".
Dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả nặng nề, trẻ em trải qua một giai đoạn khó khăn về nhiều mặt. Rất mong nhà trường, thầy cô đừng tạo áp lực điểm số, đừng giao bài tập quá nhiều, đừng kiểm tra thường xuyên và có biện pháp giáo dục nhẹ nhàng với các bé chưa tiếp thu tốt và chưa đạt kết quả cao. Đừng vì tiến độ bài giảng, áp lực năm học mà đặt lên vai trẻ gánh nặng học hành.
Khi trẻ trở lại trường, nhà trường cần có các hoạt động hỗ trợ tâm lý, hoạt động vui chơi, rèn luyện sức khỏe… thay vì lao vào kiểm tra, đánh giá. Thầy cô nỗ lực hơn nữa để giúp các trò nhỏ hòa nhập với cuộc sống bình thường sau thời gian quá dài các em phải ở trong nhà, thiếu hoạt động vui chơi, giải trí. Sự chia sẻ, giúp đỡ của thầy cô cùng với cha mẹ, hy vọng giúp trẻ vượt qua được giai đoạn đại dịch khó khăn để cân bằng và phát triển tâm hồn và thể chất.
Bình luận (0)