xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc

TRẦN THỊ RỒNG (96 tuổi, cựu giáo viên thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang)

Trên hành trình theo đuổi "nghiệp học" và sự nghiệp giáo dục của mình, tôi luôn khắc cốt ghi tâm hai hình ảnh thầy và cô mà tôi đã học bậc sơ cấp ở trường làng thuở thiếu thời, họ là những tấm gương sư phạm tuyệt vời

Tôi ra đời giữa thời Pháp thuộc, chính sách ngu dân đè nặng dân ta với cơ sở trường học thì nghèo nàn, thưa thớt. Chỉ những người có điều kiện mới được học lên, còn phần nhiều thì mù chữ… Năm 7 tuổi tôi vào học lớp vỡ lòng (Cours Enfantin), tương đương lớp 1 hiện nay.

Nghẹn ngào bởi sự ân cần, tận tâm của cô

Khi ấy, cô giáo Trần Thị Hoanh, vừa mới ra trường, dạy lớp tôi. Cô là một người phụ nữ hiếm hoi đã vượt qua được những rào cản thời bấy giờ để tiếp cận với nền giáo dục phương Tây và trở thành một người dạy học mẫu mực khiến tôi cùng nhiều bạn đồng trang lứa thường nhắc đến với tất cả sự kính trọng và quý mến.

Cô tôi sở hữu vẻ mặt khả ái và nhân hậu, toát lên vẻ mô phạm và đầy thiện cảm với mọi người. Dáng cô mảnh khảnh, đi đứng khoan thai. Giọng nói của cô trong trẻo, thanh tao, đặc biệt là phần phát âm rất rõ ràng thu hút người nghe. Cô được xem là thần tượng, là người truyền cảm hứng cho ước mơ thầm kín trong trí óc non nớt, ngây thơ của tôi: ngày sau mình sẽ trở thành cô giáo được quý trọng như cô vậy...

Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc - Ảnh 1.

Cụ Trần Thị Rồng (quàng khăn) trong kỳ Đại hội Đại biểu Hội Giáo chức thị trấn Mỹ Luông năm 2020...

Vào lớp, tôi luôn tập trung nghe cô giảng, dõi theo từng cử chỉ của cô, lắng nghe từng lời cô nói, ra sức gắng học cho giỏi. Giờ ra chơi, tôi thường quẩn quanh trong lớp dù chỉ một mình, phần vì rụt rè, phần do thích đọc sách. Bỗng một hôm, khi tôi đang mải mê đọc sách, cô khẽ bước đến sát bên tôi và hỏi: "Sao em không ra sân chơi với các bạn mà lại cứ thui thủi một mình trong này hoài vậy?". Giật mình đứng phắt dậy nhìn cô, chưa kịp trả lời thì cô rút nhẹ quyển sách Quốc văn giáo khoa thư trong tay tôi, lật gần trang cuối cô bảo: "Đâu em đọc bài này cô xem". Hai tay đón lấy sách cô đưa và tôi cắm cúi đọc đến hết bài. Nghe xong, cô vỗ nhẹ đầu tôi và khen: "Em đọc giỏi lắm". Rồi cô nhanh bước ra khỏi lớp.

Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc - Ảnh 2.

...và là người đứng thứ 2 (từ trái qua) với đồng nghiệp Trường Tiểu học Cộng Đồng Mỹ Luông A khi còn đi dạy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một lát sau, trống trường báo hiệu giờ vô học, chúng tôi xếp hàng vào lớp. Đợi ổn định xong, cô lại gần bảo tôi: "Em gom hết đồ vô cặp rồi đi theo cô". Tôi ngơ ngác không biết gì cũng riu ríu đi theo cô. Thế rồi cô đưa tôi vào lớp kế bên, (tạm gọi) là lớp hai (tức là Cours Préparatoire). Nghĩa là tôi đã được "nhảy lớp" (lên lớp sớm gần nửa năm học) nhờ sự quan tâm sát sao của cô. Thầy lớp mới lo xếp chỗ cho tôi ngồi. Tôi vừa yên vị xong, cô lại gần xoa nhẹ đầu tôi bảo: "Ráng học ngoan nhé em!", sau đó cô rời đi, nhìn theo dáng cô, tôi rơm rớm nước mắt. Bất giác tôi nghẹn ngào và thầm nhủ:

- "Em thương cô rất thiết tha

Năm học chưa mãn, em xa cô rồi !"

Rồi từ đó, buổi học nào tôi cũng đi thật sớm đứng lóng ngóng ngoài cổng trường để âm thầm đón gặp cô. Cứ thế cho đến khi tôi giã biệt mái trường. Thời gian học với cô chưa đầy một năm, mà suốt đời tôi vẫn nhớ như tạc vẻ ân cần, tận tâm với học trò của cô. Cô là một tấm gương sáng đầu đời về tình thương và trách nhiệm mà tôi noi theo trong suốt quãng đời tham gia sự nghiệp giáo dục của mình.

Người thầy bỏ làm quan để mở mang dân trí

Khi học xong lớp ba, tôi đành thui thủi ở nhà vì trường làng đã hết lớp, không biết đến khi nào mới được học tiếp. May mắn thay, 3 năm sau, tin vui bất ngờ đến với người dân quê tôi. Ông Bùi Đức Thắng (được gọi thân mật là ông Tám), là con của một Hương quản hội tề, được cha mẹ ông cho đi Tây học để sau này nối nghiệp làm quan. Nhưng sau hơn 10 năm du học Pháp, khi hồi hương ông quyết không cộng tác với Pháp mà về quê mở ngôi trường tư thục - mang tên Thanh Bần - nằm khiêm tốn trong khu vườn nhà ông để mở mang dân trí.

Ngày khai giảng, vừa bước vào buổi lễ, ông Tám giơ tay vẫy chào vui vẻ và thân mật tiếp chuyện bà con xua tan mọi định kiến về khoảng cách xã hội. Ông nói tiếng Việt rất chuẩn, không chút lai căng (không hề xen một tiếng Pháp nào trong khi giao tiếp). Vừa là chủ trường vừa là thầy đứng lớp, ông Tám là người dạy Việt văn rất hay, nhất là môn Luân lý (Morale), giảng bài với giọng diễn cảm rất hấp dẫn người nghe và tạo một ấn tượng sâu sắc khó quên…

Tôi vẫn nhớ như in giọng trầm buồn của thầy. Trong giờ Sử Pháp (Histoire de France), bài Jeanne D’arc được kết thúc bằng một bài hát ngắn để ca ngợi vị nữ anh hùng Pháp hy sinh vì tổ quốc. Khi chúng tôi nghêu ngao hát hết bài, thầy ôn tồn bảo: "Ở bên Tây chỉ có một nữ anh hùng Jeanne D’arc, chớ ở Việt Nam ta đã có tới 3 vị: Hai Bà Trưng và Bà Triệu - đã từng lừng danh và oanh liệt, mấy em có nhớ tới?...". Tuy thầy chỉ "trách nhẹ" nhưng chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì ngu muội, trong phút lơ đễnh quên mình là con cháu của ai. Thế đấy, thầy tôi âm thầm giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.

Ngoài ra, thầy còn đả phá chế độ hà khắc của địa chủ với tá điền: "Địa chủ bóc lột tá điền/ Tạo cớ thu hút tài nguyên dân nghèo" ("Tài nguyên dân nghèo" là ám chỉ sức lao động của họ. Thật vậy, mỗi khi nhà địa chủ có đám tiệc, tá điền - người nghèo phải đến phụ giúp quần quật ngày, đêm mà không hề được trả công).

Hoặc, chê trách cách đối xử như phường bội bạc của địa chủ đối với tôi tớ, người giúp việc: "Con lành con ở cùng bà/Vang mình sốt mẩy con ra ngoài đường" (Thầy dạy theo sách Luân lý). Với các bài học luân lý đầy tính nhân văn như thế, thầy đã tạo nên nền tảng đạo đức cho các thế hệ học sinh. Chúng tôi rất biết ơn thầy Bùi Đức Thắng - người xứng danh là một kỹ sư tâm hồn chân chính và là ngọn nến của quê hương tôi.

"Thầy tôi dù đã đi Tây,

Bao năm xa xứ, không thay đổi lòng

Thầy dù gặp phải cuồng phong

Bản sắc dân tộc quyết không phai mờ".

Tuy thầy, cô của tôi nay đã khuất nhưng để lại những tấm gương sư phạm tuyệt vời, mẫu mực về nhân cách và đạo đức còn nguyên giá trị xã hội mà hậu sinh đáng học tập và noi theo. Tôi mãi thành kính nhớ ơn thầy, cô! 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc - Ảnh 3.

Cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”: Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo