xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Thầy Vân trong trái tim tôi

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Thầy kính yêu của tôi đã về cõi xa, những dòng chữ này là nén nhang lòng của đứa học trò cũ, xin dâng lên thầy như lời tri ân sâu nặng chưa kịp nói năm xưa

Mùa thu năm 1999, tôi là sinh viên mà đen nhẻm, vẫn quần xanh áo trắng (tận dụng đồ cũ từ cấp III), hay bị bạn trêu "nông rân" (nông dân). Tôi còn bị châm chọc bởi chiếc xe đạp mà "chỉ cần té trầy da cũng nhiễm trùng chết".

May mắn thay, thầy đến như vị cứu tinh. Tiết sử đầu tiên được gặp "ông thầy nông dân", tôi mừng như có "đồng minh". Tôi tự tin khác lạ, thách các bạn trêu mình "sinh viên nông rân".

Thầy tên Đặng Thái Vân, nguyên giáo viên Trường CĐ Sư phạm Phú Yên (nay là Trường ĐH Phú Yên). Thầy thường nhận mình là ông giáo nông dân, giản dị toàn phần: từ bộ quần áo đơn sơ đến phong thái mộc mạc. Thầy hiền nên lũ chúng tôi "lầy đây" không sợ. Có lần tôi ngồi nói huyên thuyên, không chú tâm nghe giảng. Thầy không một lời, một tay cốc đầu tôi và một tay đặt lên môi. Cái cốc đầu đó tôi nhớ mãi… Thầy là vậy, nhẹ nhàng đặt vào tâm thức sinh viên sự tự nguyện ý thức kỷ luật, không áp đặt.

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Thầy Vân trong trái tim tôi - Ảnh 1.
Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Thầy Vân trong trái tim tôi - Ảnh 2.

Năm xưa thầy Đặng Thái Vân trao quà cho sinh viên (ảnh trên), nay học trò (tác giả bài viết mặc áo dài) noi gương thầy luôn giúp đỡ học sinh nghèo để tri ân. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thầy dặn chúng tôi, những sinh viên nhà quê, đừng chạy theo cái mới mà chối bỏ gốc rạ rơm. Nhưng thầy rất cấp tiến, nếu sinh viên phát âm không chuẩn, thầy chỉnh ngay. Tôi gàn lắm, khi các bạn cố gắng tập phát âm tránh lỗi của phương ngữ xứ "nẫu" thì tôi vẫn ngổ ngáo với giọng quê và cố chấp bảo "chửi cha không bằng pha tiếng". Biết ý nghĩ đó, thầy giải thích: "Níu giữ cội nguồn không phải là khư khư ôm hết cả tốt lẫn xấu. Phương ngữ thì vùng miền nào cũng có nét đẹp riêng nhưng khi giao tiếp với người ở địa phương khác cũng như khi đứng lớp, phải dùng từ toàn dân".

Không chỉ thân thiện, nhiệt tâm, thầy Vân rất "khéo" xử lý tình huống sư phạm. Năm đó, trường tổ chức cắm trại, bạn Hà phòng tôi làm thủ quỹ. Tối lấy tiền ra đếm, sáng ngủ dậy lấy tiền đi chợ, xấp tiền biến mất. Hà khóc thống thiết. Bác bảo vệ và thầy cô hết lời đề nghị bạn nào lỡ lấy thì im lặng gửi tiền lại ở phòng trực nội trú hoặc đưa cho thầy cô, sẽ được giữ kín, thời hạn là hết buổi chiều. Chờ mãi, không có kết quả. Thầy quản lý nội trú yêu cầu khám phòng, ai nấy gật đầu cứ như cả phòng không có thủ phạm. Bỗng thầy Vân bước vào, đặt tiền lên bàn:

- Không phải khám xét gì hết, có một bạn thấy Hà bỏ quên xấp tiền dưới hộc bàn. Cứ sợ mất nên hay lấy ra săm soi rồi quên cất.

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ Hà học lớp sinh, thầy dạy sử sao lại bảo thấy tiền bỏ quên trên lớp? Mà thôi! Không tra cứu nữa, bởi nếu sự việc bại lộ, bạn nào lỡ làm chuyện đó phải nghỉ học mất.

Một chuyện nữa, dù kể ra có phần xấu hổ nhưng đó là bài học đường đời của tôi, bài học về lòng tự trọng và hơn hết là tấm lòng của một nhà giáo.

Số là cuối học kỳ I, mấy bạn đi nhận học bổng về bảo: "Mày cũng có, học bổng loại giỏi, mau lên nhận đi!". Tôi lắc đầu bảo bị khống chế vì có môn chỉ 4 điểm làm sao có học bổng. Bạn vẫn nói tôi đi nhận đại, trường cho mình mới nhận. Nhà nghèo, mỗi tuần mẹ cho 25.000 đồng đi học, không dám ăn đĩa cơm 2.000 đồng mà một quý học bổng, mỗi tháng 180.000 đồng đang chờ mình. Không phải tại bạn xúi mà do tôi tham, liều mạng đi nhận. Mùa đông năm đó, tôi có áo ấm mới, áo dài mới, hết rầu rĩ mặc bộ áo dài cũ mẹ xin trong xóm.

Tuần sau, tôi bị phòng giáo vụ gọi lên. Cô thủ quỹ la: "Em không thật thà! Tại sao biết nội quy xếp loại học lực rồi vẫn cố tình vi phạm?". Tôi cúi gằm mặt xuống đất và khóc, khóc không phải vì ấm ức, vì bị oan mà khóc vì xấu hổ, vì nghèo. Tôi chẳng biết về nói với mẹ thế nào để xin lại 3 tháng học bổng trả trường. Thấy tôi sướt mướt, thầy Vân bảo: "Em sai, nhà trường cũng sai. Thầy mong rằng đây là bài học mà em cần phải nhớ. Chỉ nên hưởng những gì mà mình xứng đáng được nhận! Thầy sẽ giúp em đưa lại số tiền này cho trường!". Tôi lắc đầu, thầy bảo thầy cho mượn, sau này đi làm có tiền trả thầy sau.

Có lần thầy kể câu chuyện loài hươu. Hươu mẹ đứng sinh con, đứa con phải rơi từ trên cao và nằm đơ dưới đất. Hươu mẹ đá vào con, chú hươu con lồm cồm đứng dậy, sau khi hươu con đứng được rồi, hươu mẹ hất hươu con ngã xuống, lại phải cố gắng đứng lên. Thầy bảo khó khăn sẽ làm ta trưởng thành. "Thành công - không chỉ là những gì ta có mà còn ở chỗ ta trở thành người như thế nào. Các em sẽ là người cầm phấn, là những kỹ sư tâm hồn, các em là người chèo đò trên dòng tri thức và sẽ đưa những tâm hồn đến những triền sông đầy hoa nắng. Hãy nhớ lời thầy, chỉ khi các em "thiết kế" nên những tâm hồn đẹp thì khi đó, các em sẽ là những người thành công". Thầy đã kết thúc buổi học bằng những lời tha thiết ấy.

Đó cũng là lần cuối tôi nghe thầy giảng! 

Món nợ ân tình

Ngày em đã là cô giáo, bàng hoàng khi đang trên bục giảng mà nghe tin dữ. Thầy ra đi trong giấc ngủ. Hôm đó, em chỉ muốn bỏ trường, bỏ lớp chạy về tiễn thầy. Nhưng nếu làm vậy thì em đâu phải là học trò ngoan phải không thầy?

"Thầy ơi, em xin lỗi! Ra trường đi dạy, em đã làm ra gấp trăm ngàn lần số tiền nợ thầy nhưng em đã không hoàn trả. Em muốn mang món nợ đó để cảnh tỉnh mình trước những cám dỗ - nó là bài học xương máu về lòng tự trọng, về lương tri nhà giáo mà em có ân huệ nhận được từ thầy. Mong rằng trên trời cao, thầy có thể đọc được những lời gan ruột của em".

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Thầy Vân trong trái tim tôi - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo