Có những tình yêu không thể chỉ nói ra bằng lời. Như một nghịch lý, càng xa về thời gian và không gian, ta càng thấy người đó là đáng quý. Đặng Thai Mai chính là trong trường hợp này. Thầy Đặng Thai Mai bắt đầu vào nghề dạy học từ năm 1928. Từ đó, biết bao người đã có hạnh phúc được hưởng sự giáo dục ân cần mẫu mực của thầy.
Tinh thần tự học đáng nể
Sinh viên Khoa Văn 2 Trường ĐH Sư phạm, ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1956-1959 chúng tôi có lẽ là thế hệ chót đã may mắn được học thầy Đặng Thai Mai. Bởi lẽ sau đó, thầy phải rời xa môi trường giáo dục, nhận trách nhiệm lãnh đạo 2 tổ chức mới: Viện Văn học (1959-1976) và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1957-1983).
Anh em chúng tôi đến nay vẫn trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ về giờ giảng của thầy. Phong thái đĩnh đạc, ung dung, nghiêm cẩn của thầy đã khiến tất cả chúng tôi - kể cả những anh bạn hay “quậy” nhất - đứng đắn hẳn lên, nghe giảng chăm chú khác với bình thường.
Chắc chắn nhiều anh em đã không lĩnh hội đầy đủ những điều thầy giảng. Nhưng cũng chắc chắn tất cả đã bị chinh phục hoàn toàn bởi cách nói chậm rãi cân nhắc từng chữ, bởi niềm say mê bộc lộ đầy đủ qua ánh mắt sáng mà sâu thẳm, đặc biệt bởi sức đọc rất rộng và trí nhớ phi thường của thầy. Chính nhờ thế, tình yêu văn chương ngày càng được bồi đắp trong mỗi chúng tôi.
Nội lực văn hóa hết sức sung mãn của thầy là kết quả của cả một đời đọc sách, đặc biệt là được tích lũy ngay từ khi còn thơ bé. Thầy không thuận lợi như những trẻ bình thường khác vì cả gia đình bị thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai xếp vào loại “cừu gia tử đệ” (con em của gia đình thù địch với chúng). Thân phụ của thầy, cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, tham gia phong trào Duy Tân, năm 1908 bị chính quyền thực dân kết án tù chung thân, đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo 13 năm. Các chú ruột của thầy cũng một lòng đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp để giải phóng dân tộc, người phải phiêu bạt nơi đất khách (Đặng Thúc Hứa), người thì hy sinh trong nhà tù Lao Bảo (Đặng Thai Xương).
Đặng Thai Mai được ông bà nội chăm sóc, dạy dỗ để có được kiến thức vỡ lòng cả về chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Từ bước đi ban đầu ấy, Đặng Thai Mai đã sớm hình thành quyết tâm tự học. Khối lượng sách đồ sộ trong thư viện gia đình - Tam Thai sơn phòng tàng thư - trở thành người thầy lớn. Tại đây, được sự giúp đỡ tận tình của cụ cử Hồ Phi Thống (sau này là nhạc phụ của thầy), Đặng Thai Mai làm quen với hệ thống tứ thư, ngũ kinh, thơ văn cổ Trung Hoa, đồng thời tiếp cận cả sách báo của Đông Kinh nghĩa thục và “tân thư” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục, Đàm Tự Đồng. Vì thế, Đặng Thai Mai sớm có một căn bản vững vàng về Hán học. Từ tuổi 15, thầy có được 11 năm theo học chính quy ở các trường tiểu học và trung học Vinh (1917-1924) rồi CĐ Sư phạm Đông Dương (1925-1928).
Sức hút lớn
Tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, rồi khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được cử thay ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Những năm đầu toàn quốc kháng chiến, dù đứng đầu bộ máy chính quyền của tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, thầy vẫn đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Đặng Thai Mai bước vào làng văn hơi muộn, khi đã trên 30 tuổi. Muộn nhưng chắc chắn.
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đặng Thai Mai viết cho những tờ báo cách mạng bằng tiếng Việt như Tin Tức, tiếng Pháp như Le Travail (Lao động), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Rassemblement (Tập hợp)... Trong một số truyện ngắn: “Cô câm đã lên tiếng”, “Chú bé”, “Vận mệnh chống đối”, “Người đàn bà điên”... thuộc chuyên mục “Chuyện thật của thời đại mới”, thầy đã xây dựng thành công hình ảnh những chiến sĩ cách mạng kiên cường mà bình dị của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
So với sáng tác, thành quả nghiên cứu của Đặng Thai Mai rực rỡ hơn nhiều. Ngay trước Cách mạng Tháng Tám, thầy dịch “Lôi vũ” và “Nhật xuất” - 2 kịch bản văn học xuất sắc của Tào Ngu (1945), nghiên cứu kỹ lưỡng “Tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại” (1945) và đã trân trọng giới thiệu “Lỗ Tấn - thân thế, văn nghệ” (1944). Với cuốn “Văn học khái luận” (1944), thầy cũng là người đầu tiên trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận văn học theo quan điểm cách mạng. Đáng trân trọng hơn là 2 công trình nổi tiếng: “Văn thơ Phan Bội Châu” (1959) và “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX” (1960).
Nét đặc sắc chung, bao trùm các công trình nghiên cứu và lý luận của Đặng Thai Mai là gì? Có thể trả lời như thế này chăng: Thầy đã hấp dẫn người đọc bằng một vốn kiến thức sâu rộng, một quan điểm tiên tiến, một nghệ thuật diễn đạt tinh tế và uyển chuyển rất đậm chất văn, một ngòi bút chiến đấu sắc sảo và giàu sức thuyết phục, đôi khi pha chất hài hước, châm biếm một cách thâm thúy. Người đọc tin yêu, quý trọng những trang viết của Đặng Thai Mai không chỉ vì tài năng của học giả - một tài năng chỉ có được do công phu tự học từ thuở thiếu thời cho đến tuổi 80 - mà còn vì tấm lòng yêu nước sâu nặng cũng như vì nhân cách cao đẹp của thầy.
Đặng Thai Mai luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, luôn ứng xử đôn hậu, rộng lượng và có tình - dù với người cùng trang lứa hay với thế hệ hậu sinh. Vì thế, ngay từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ, thầy đã có sức hút lớn lao, có khả năng tập hợp trí thức văn nghệ sĩ mạnh mẽ.
Năm 1982, Đặng Thai Mai được nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp tròn 80 tuổi. Năm 1996, thầy được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Kỳ tới: Xuất sắc Đào Duy Anh
Bình luận (0)