Năm 2021, số lượng các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển ngày càng nhiều. Điều dễ nhận thấy, bênh cạnh phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên và năng khiếu, xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm SAT…
Đại học cần các phương thức tuyển sinh thực chất (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết từ việc chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, hai năm qua, trường đã đa dạng các phương thức xét tuyển như xét tuyển bằng kết quả học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Đa dạng các phương thức xét tuyển để không quá lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tiếp cận được đa dạng thí sinh với những năng lực và phẩm chất khác nhau.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), cho biết không có phương thức xét tuyển nào là hoàn hảo nên đa dạng phương thức xét tuyển giúp tiếp cận được những đối tượng thí sinh với những phẩm chất năng lực khác nhau. Tuy vậy, đôi khi các trường lại không thể làm chủ để tuyển sinh đúng đối tượng.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác Sinh viên, ĐHQG TP HCM, cho rằng những ngành như khối ngành sức khỏe, luật, báo chí… cần có những phương thức xét tuyển riêng mang tính đặc thù. Tuy vậy, để tổ chức thi đánh giá năng lực riêng cần có sự chuẩn bị lâu dài và tốn kém. Vì vậy, cần có sự liên minh, công nhận kết quả chung để xét tuyển giống như nhiều trường sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM hay của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển. "Trong tương lai, chắc chắn các trường không thể dựa mãi vào kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần có phương thức riêng để tuyển được đối tượng thí sinh phù hợp với đặc thù nghề nghiệp" - bà Mai đề nghị.
Bình luận (0)