Phóng viên: Vì sao ĐHQG TP HCM không xét tuyển thí sinh (TS) được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015?
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Các trường thành viên ĐHQG TP HCM đều xét tuyển dựa trên tổ hợp 3 môn thi, trong đó có một số ngành dùng điểm môn ngoại ngữ. Điều chúng tôi cần là TS phải có mức điểm cụ thể của môn này để có tổng điểm 3 môn thi. Tuy nhiên, quyết định miễn thi ngoại ngữ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra không có bảng quy đổi điểm từ các chứng chỉ, giấy chứng nhận cho phép. Vì vậy, chúng tôi quy định TS xét tuyển vào các ngành có môn ngoại ngữ của ĐHQG TP HCM phải dự thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để có mức điểm làm căn cứ xét tuyển.
Theo tôi, quy định miễn thi ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT chỉ có tác dụng đối với TS tham dự kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà không dùng kết quả đó để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nếu không quy đổi được mức điểm của các chứng chỉ, giấy chứng nhận trong quy định miễn thi ngoại ngữ thì rất khó phân loại trong khâu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ… Theo tôi, các chứng chỉ, bằng cấp về ngoại ngữ chỉ nên là yếu tố để các trường ĐH, CĐ cộng điểm thưởng hoặc điểm khuyến khích cho TS khi xét tuyển.
Vậy năm 2015, ĐHQG TP HCM có xem xét cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho TS có chứng chỉ ngoại ngữ giá trị?
- Hội đồng tuyển sinh các trường thành viên sẽ xem xét việc có cộng điểm hay không đối với TS có những chứng chỉ ngoại ngữ uy tín sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chính thức Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015.
Đề án tuyển sinh 2015 của ĐHQG TP HCM yêu cầu TS xét tuyển phải đạt điểm trung bình các năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên. Quy định này có gây thiệt thòi cho TS và thu hẹp nguồn tuyển của ĐHQG TP HCM không?
- Theo thống kê và kinh nghiệm hằng năm tại ĐHQG TP HCM, số TS đạt điểm trung bình 3 năm học dưới 6,5 hầu hết không đậu vào ĐHQG TP. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu TS phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Nguồn tuyển từ mức điểm này vẫn rất dồi dào vì với cách đánh giá hiện nay, học sinh THPT không quá khó để đạt được.
TS không đạt điều kiện sơ tuyển như vậy vẫn không mất cơ hội vào ĐH vì các em có thể đăng ký xét tuyển vào những trường phù hợp. TS phải tự phân luồng và chọn ngành, trường đúng khả năng.
Vì sao ĐHQG TP HCM không xét tuyển TS dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại cụm thi địa phương?
- Theo kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua thì kết quả của 2 kỳ thi rất khác. Trong khi gần 100% TS đỗ tốt nghiệp THPT thì chỉ có 50% TS trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Do tính chất quyết liệt của kỳ thi tuyển sinh ĐH trong những năm trước nên toàn bộ các khâu của kỳ thi do các trường ĐH, CĐ phụ trách được kiểm tra rất chặt chẽ để ngăn ngừa tiêu cực, từ tổ chức thi, coi thi đến chấm thi, xét tuyển. Nếu năm 2015, các cụm thi địa phương tổ chức nghiêm túc, chất lượng thì tôi tin rằng trong những năm tới, nhiều trường ĐH sẽ lấy kết quả ở các cụm thi địa phương để xét tuyển.
ĐHQG TP HCM có hình dung về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với vai trò là cụm thi?
- ĐHQG TP HCM đã tính đến phương án chủ trì một trong những cụm thi tại TP nếu được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ… Theo Bộ GD-ĐT, mỗi cụm thi có khoảng 35.000-40.000 TS. Số lượng TS này ít hơn hẳn so với kỳ thi “3 chung” mà ĐHQG TP HCM tham gia tổ chức trước đây. Thậm chí, ĐHQG TP HCM còn phối hợp tổ chức ở nhiều cụm thi khác nhau, đặc biệt là khâu in sao đề thi với khoảng 300.000- 400.000 lượt TS dự thi trong cả 3 đợt. Do đó, chúng tôi sẵn sàng trở thành một cụm thi tại TP HCM.
Bình luận (0)