Bùi Mạnh Tiến (quê Thái Bình) hiện là nghiên cứu sinh ngành kinh tế học tại ĐHQG Úc (Australian National University - ANU). Chàng trai 9x đã xuất sắc nhận học bổng nghiên cứu của ngôi trường danh giá này cho toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong 3,5 - 4 năm.
Thích nghi để trưởng thành
Với đa số du học sinh thì nỗi nhớ nhà và thử thách hòa nhập trong giai đoạn đầu có thể là mối bận tâm lớn. Nhưng Tiến tin rằng đó cũng là một cơ hội tốt để ai nấy tự lập và học cách chăm sóc bản thân mình hơn.
Mạnh Tiến mong muốn bản thân trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày thay vì so sánh với bất kỳ ai
Từng có kinh nghiệm làm việc cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cũng như châu Á nên Tiến được tiếp xúc nhiều với sự đa dạng văn hóa, bản dạng giới và đặc biệt là học được cách tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm và ý thức hệ. Theo Tiến, các bạn trẻ lần đầu xa nhà đi du học cần chủ động tìm hiểu trước về nơi mình đến thông qua internet, qua những người đi trước. "Mỗi đất nước có phong cách sống và văn hóa riêng, khi giao tiếp trên cơ sở tôn trọng văn hóa và sự khác biệt thì sẽ không gây ra vướng mắc gì. Mối quan hệ giữa người với người được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, đó luôn là nguyên tắc cơ bản" - Tiến chia sẻ.
Tiến cảm thấy trưởng thành, biết cách quản lý thời gian, chăm sóc bản thân và cân bằng tốt hơn khi đi du học
Nguyễn Thảo Linh đang là du học sinh chuyên ngành Y sinh học tại ĐH Monash (Melbourne - Úc). Cô yêu thích ngành này vì giúp cô hiểu về cơ chế hoạt động của cơ thể con người một cách toàn diện nhất. Trước đó, Linh từng có thời gian học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) - một trong những cái nôi đào tạo khối ngành kỹ thuật hàng đầu trong nước. Việc học tập ở đây góp phần trang bị cho Linh nhiều kỹ năng mềm thiết thực và thêm tự tin để vươn đến mục tiêu xa hơn. Với Linh, du học không chỉ để học ở trường lớp hay ở mặt chuyên môn mà hơn nữa là đã giúp cô khai phá bản thân, nhìn ra những ưu - nhược điểm của chính mình. Linh bộc bạch: " Khi xa gia đình đi du học, việc tự chăm sóc bản thân là tất yếu. Tôi tự học cách nâng đỡ tinh thần, tự tạo niềm vui cho chính mình, biết cách trải nghiệm cuộc sống một cách chân thật nhất, trở nên trách nhiệm và độc lập về cảm xúc hơn". Theo Linh, lợi thế khi tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới ở tuổi còn trẻ là một cái đầu còn nhiều chỗ chứa cho những điều mới lạ. Bạn trẻ cần dám thừa nhận những điều chưa biết. Việc mở lòng và giảm bớt tự tôn để thật sự lắng nghe đã giúp ích nhiều cho Linh. Cô chăm chỉ góp nhặt những bài học giá trị và phù hợp với thế giới quan của mình để nghiền ngẫm, có lối đi phù hợp trong quá trình trưởng thành.
Động lực mạnh mẽ
Đặng Ngọc Minh Thư (quê Đồng Nai) đã tốt nghiệp thủ khoa cử nhân ngành Quan hệ công chúng tại một trường đại học ở TP HCM. Cô nàng gen Z đang học chương trình thạc sĩ truyền thông tại The University of Texas at Arlington (Mỹ) theo hình thức học bổng. Đồng thời, Thư là trợ lý nghiên cứu cho các giáo sư trong khoa.
Hè năm trước, Thư đã có cơ hội tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế ngắn hạn. Giai đoạn tuyệt vời này mở ra cho cô những khát vọng và suy nghĩ mạnh mẽ. Chặng đường chinh phục tấm bằng cao học hiện nay nhiều thách thức song cũng tràn đầy những bất ngờ thú vị với Thư. Sau một năm trải nghiệm cuộc sống sinh viên xa nhà, Thư nhận ra mình có nhiều sự khác biệt trước và sau khi đi du học, điển hình như việc phải thích nghi và tự lập, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bằng kinh nghiệm và sự linh hoạt. Khoảng thời gian ở Việt Nam, Thư chỉ quan tâm đến việc học, bỏ lỡ nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, không dành thời gian đủ cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô từng trải qua cảm giác cô đơn, căng thẳng trong việc thích nghi với môi trường mới, "sốc" trước khác biệt rõ rệt về văn hóa và định kiến. Giờ đây, cô chú trọng sự cân bằng trong cuộc sống: tập thể dục, đi trail (chạy bộ kết hợp leo núi) với bạn bè, học cách thư giãn và hăng hái khám phá bao điều mới mẻ ở xứ cờ hoa, biết cách tự làm mọi việc. Nhờ học tập trong môi trường đa văn hóa với sinh viên đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau, Thư cải thiện kỹ năng giao tiếp đáng kể đồng thời hiểu rõ hơn về lối sống và văn hóa nhiều nơi; nhận thức những điều được xem là quan trọng, đồng thời cũng có thứ cần tiết chế trong ứng xử. Quá trình chứng kiến những trường hợp khác nhau, gặp gỡ nhiều người giúp Thư cởi mở hơn, đón nhận nhiều quan điểm và phát triển tư duy một cách tích cực.
Điều quan trọng nhất với Minh Thư có lẽ là cái nhìn khách quan và cởi mở hơn về các vấn đề xã hội.
Chứng kiến nhiều thầy cô, nhiều bậc tiền bối cả khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp vẫn tiếp tục con đường học vấn ngay khi có cơ hội, vẫn luôn truyền cảm hứng cho thế hệ sau qua những hành trình muôn nơi khiến Thư có thêm động lực phấn đấu, để tương lai trở thành một phiên bản như mình mơ ước.
Bình luận (0)